Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 48,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,55 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 nghìn đồng bán ra so với phiên trước đó.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 48,32 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,74 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 48,72 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 11,5 USD lên 1.742,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex New York tăng 13,2 USD lên 1.754,1 USD/ounce.
Giá vàng đang dao động trong khoảng 1.700 USD/ounce. Do xu hướng các nhà đầu tư thường lựa chọn các kênh đầu tư an toàn nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế và nguy cơ các tài sản rủi ro cũng như tiền tệ mất giá, một số người đã dự đoán về một đợt tăng giá ấn tượng của vàng, gợi nhớ đến mức cao kỷ lục 2.000 USD/ounce năm 2011.
Các số liệu kinh tế mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ đang đối mặt với những khó khăn lớn và có thể không phục hồi nhanh chóng kể cả khi Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Kinh tế Mỹ trong quý II/2020 có thể giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, song sẽ phục hồi mặc dù còn chậm và có thể trở lại mức trước khi đại dịch bùng phát vào giữa năm 2022. Theo các nhà kinh tế, GDP của nước này có thể giảm 4% trong năm 2020, sau đó tăng trưởng khoảng 3% vào năm 2021 và 2% năm 2022.
Các nhà kinh tế nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đạt đỉnh là 17,4% trong quý II năm nay, sau đó giảm xuống 8,9% vào cuối năm 2020 và 7,6% vào cuối năm 2021.
Một số nhà đầu tư cho rằng việc các ngân hàng trung ương thu mua tài sản cũng giống như việc in tiền và làm giảm giá trị của đồng USD, một lần nữa làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng.
Theo dự báo trên Kitco News, giá vàng được kỳ vọng sẽ sớm chạm mốc 1.800 USD/ouce (tương đương 50,09 triệu đồng/lượng) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ nới lỏng tín dụng để kích thích nền kinh tế sau đại dịch.