Giá vàng tăng vì nhiều lý do, một trong số đó là việc nhiều nhà đầu tư bắt đầu xuất hiện động thái bắt đáy khi giá vàng có phiên giảm hơn 1% vào ngày đầu tuần. Cùng với đó là sự suy yếu của thị trường chứng khoán sau khi lên mức cao kỷ lục.
Thị trường đã tạo lực đẩy cho kim loại quý quay đầu tăng ngay đầu phiên châu Á 19/7. Sau đó, lực mua kỹ thuật xuất hiện càng khiến giá tăng nhanh, có lúc lên sát 1.334 USD.
Giá vàng trong nước vẫn cao hơn hàng trăm nghìn đồng một lượng so với thế giới. Ảnh: Q.Đ
Tuy nhiên, giá không thể phá ngưỡng này mà quay đầu giảm nhẹ do đồng USD mạnh lên sau một báo cáo nhà ở của Mỹ cho thấy số nhà mới được xây dựng tăng 4,8% trong tháng 6. Giá dầu thô cũng ở trong xu hướng giảm ngắn hạn khi lui về quanh 44,6 USD một thùng.
Do vậy, chốt phiên giao dịch tại New York hôm qua, giá giao ngay đứng ở 1.331,7 USD, giảm so với mức cao trong ngày khoảng 3 USD nhưng so với phiên trước đó vẫn tăng gần 4 USD. Các hợp đồng giao tháng 8 cũng chốt ngày ở 1.332,5 USD, tăng khoảng ba USD so với phiên liền trước.
Đà tăng nhẹ tiếp tục lan sang phiên giao dịch sáng nay. Tính đến 7h45, giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá 1.333,7 USD, tăng gần 2 USD so với mở cửa.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 35,91 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa của vàng miếng trong nước hôm qua xoay quanh 36,6-36,7 triệu đồng, tức cao hơn giá thế giới 690.000-790.000 đồng mỗi lượng.
Từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng giá khoảng 22%. Hiện các nhà đầu tư đang quan tâm đến thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu họp chính sách tiền tệ vào tuần này và một số dữ liệu sản xuất khu vực của Mỹ. Nó sẽ có những tác động nhất định đến thị trường vàng.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa ở mức tương đối cao nên kim loại quý vẫn có lợi thế trong ngắn hạn. Mức kháng cự vững chắc của giá vàng là 1.377,5 USD, còn mức hỗ trợ lâu dài là 1.300 USD một ounce.
Theo Lệ Chi (Vnexpress.net)