Tại thị trường trong nước, phiên cuối tháng 7, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh giá giảm nhẹ nhưng sau đó vàng bật tăng trở lại.
Thời điểm 6h30 ngày 1/8, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức 56,68 triệu đồng/lượng và 58,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng tại Hà Nội ở mức 56,30 triệu đồng/lượng và 57,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Vàng niêm yết tại thị trường TP.HCM ở mức 56,50 - 57,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào - bán ra ở mức 56,55 - 57,60 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, lúc 8h sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com chốt tuần ở mức 1.976,1 USD/ounce. Trong phiên hôm qua, giá vàng tăng lên cao nhất ở mức 1.987 USD/ounce.
Tuy nhiên, vàng đã đánh mất phần nào đà tăng giá thần tốc gần đây mặc dù dữ liệu kinh tế Mỹ rất tiêu cực. Sau khi đe dọa sẽ vượt qua mức 2.000/ounce, giá vàng đã chịu áp lực khi các nhà đầu tư đặt lệnh chốt lời sau khi tăng khủng 9% trong 2 tuần qua.
Vốn được xem là "nơi trú ẩn an toàn" trong thời kỳ bất ổn, vàng đã trở thành lựa chọn ưu tiên của giới đầu tư trên khắp thế giới.
Chuyên gia Mark Mobius, nhà đồng sáng lập Mobius Capital Partners cho biết: Trong bối cảnh môi trường lãi suất được duy trì ở ngưỡng gần bằng 0, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn, bởi khi sở hữu vàng bạn sẽ không phải lo lắng về việc không nhận được lãi đầu tư.
Giá vàng thế giới tăng lên đỉnh cao lịch sử và vẫn đang trong xu hướng đi lên do đồng USD tụt giảm, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang không ngừng và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiếp tục leo thang ở nhiều nước.
Trên Kitco, đại diện Bannockburn Global Forex cho rằng, giá vàng thế giới sẽ dễ dàng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, thậm chí sẽ lên mốc 2.500 USD/ounce bởi nền kinh tế thế giới vẫn đang đảo chiều đi xuống do ảnh hưởng của Covid-19.