Ngủ là trạng thái nghỉ ngơi tự nhiên, ngủ ngon là một liều thuốc hiệu nghiệm để xóa tan mọi sự mệt mỏi về thể chất cũng như tinh thần. Ở trẻ em nhu cầu ngủ cao hơn người lớn và giấc ngủ ảnh hưởng tới sự phát tiển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Giấc ngủ có liên quan mật thiết tới sự tiết hormone tăng trưởng. Các nghiên cứu y học đã chứng minh, khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng cao gấp 4 lần so với khi thức. Do đó, giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Cha mẹ cần tạo mọi điều kiện cho trẻ ngủ đầy đủ và có chất lượng. Ở các độ tuổi khác nhau thì nhu cầu về thời gian ngủ, độ dài và độ sâu giấc ngủ khác nhau.
Đối với trẻ sơ sinh: Thông thường trẻ sơ sinh ngủ liên tục trong ngày, khoảng 14-16 tiếng. Bé chỉ thức dậy khi đói và lúc bé đi tiêu tiểu. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều vì bé vẫn chưa quen với ánh sáng bên ngoài và vẫn còn duy trì thói quen nhắm mắt giống như khi bé còn trong bụng mẹ. Ở độ tuổi này thì việc cho bé ngủ riêng trong nôi, giường hoặc cũi sẽ giúp bé ngủ ngon hơn. Tốt nhất là giường, nôi của trẻ nên được đặt gần giường bố mẹ để tiện quan sát và chăm sóc trẻ khi cần. Không gian phòng ngủ của bé cũng cần sự thoáng đãng, mát mẻ, có ánh sáng dịu nhẹ và nên hạn chế tiếng ồn xung quanh trẻ. Hát ru hoặc âm nhạc nhẹ nhàng cũng giúp trẻ dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
Trẻ em độ tuổi mẫu giáo: Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp và học các kỹ năng đầu đời. Giấc ngủ ngon và việc ngủ đủ giấc (khoảng 10-12 tiếng) sẽ giúp trẻ tập trung, ghi nhớ và tiếp thu, xử lý tình huống nhanh hơn so với các bé thiếu ngủ. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em thiếu ngủ hay có khuynh hướng cáu gắt, gây gổ với bạn bè, anh/chị em hơn và tỏ ra khó bảo, hay chống đối với nguời lớn hơn và ngược lại. Việc này kéo dài gây ảnh hưởng tới việc giao tiếp của trẻ và việc tiếp thu các bài học ở trường...
Trẻ em độ tuổi tiểu học: Trẻ em độ tuổi này rất ham chơi và vui thích khám phá những điều mới lạ nên thường ngủ ít hơn và hay bỏ qua giấc ngủ trưa. Ở độ tuổi này, trẻ cần phải ngủ 9-10 tiếng. Nếu không ngủ đủ giấc thì việc phát triển trí não sẽ chậm hơn và tiếp thu bài học sẽ ko bằng các bạn khác. Các nghiên cứu thực nghiệm cũng chứng minh rằng, các trẻ ngủ ngon và ngủ đủ giấc thường có khả năng đọc từ vựng nhanh hơn và có vốn từ nhiều hơn so với các trẻ khác.
Tuy nhiên, thời gian ngủ dài hay ngắn không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giấc ngủ của trẻ em mà việc trẻ ngủ có ngon giấc hay không mới quan trọng. Có thể trẻ ngủ rất nhiều nhưng nếu ngủ không ngon giấc cũng khiến trẻ không được thoải mái, cơ thể trẻ tiết ra những chất gây mất cân bằng khiến trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Những trẻ thường xuyên ở trong tình trạng này sẽ phát triển trí não chậm hơn so với trẻ có giấc ngủ ngon.
Để trẻ ngủ ngon giấc cần phải giảm tối thiểu các kích thích của ngoại cảnh lên hệ thần kinh trẻ trong lúc ngủ. Điều quan trọng nhất là phải tránh tiếng ồn và ánh sáng, vì chúng làm giấc ngủ của trẻ không sâu và dễ thức giấc. Ngoài ra, các yếu tố khác như để trẻ đói hoặc ăn quá no, không vệ sinh thân thể, quần áo quá chật, nằm sai tư thế, nơi ngủ bẩn chật và không thông thoáng đều gây tác hại xấu đến giấc ngủ.
Trong trường hợp trẻ có rối loạn giấc ngủ (như mất ngủ liên tiếp vài đêm), cần phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ, tuyệt đối không được dùng thuốc ngủ khi chưa có ý kiến bác sĩ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ. Ở trẻ em, cần lưu ý đến các rối loạn giấc ngủ có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, thường đi kèm với tình trạng chán ăn, giảm ăn, giảm bú, nôn ói, chậm lớn.
Các biểu hiện rối loạn giấc ngủ thường gặp ở trẻ: ngủ ít, trằn trọc khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, mơ, nói mơ, ác mộng, mộng du trong khi ngủ. Những rối loạn này có thể liên quan đến tình trạng thiếu kẽm, magiê, canxi, axit amin, vitamin nhóm B. Rối loạn giấc ngủ có thể nhanh chóng chữa khỏi khi trẻ được bổ sung kẽm và các chất dinh dưỡng thiếu hụt.
10 bước để trẻ có giấc ngủ ngon
1. Thiết lập thói quen đi ngủ.
2. Biết trẻ cần ngủ thời gian bao nhiêu.
3. Tạo cho trẻ thời gian đi ngủ và thời gian thức dậy gần như cố định mỗi ngày.
4. Tránh cho trẻ lớn tuổi ngủ quá nhiều ban ngày.
5. Bảo đảm rằng trẻ cảm thấy an toàn vào ban đêm.
6. Kiểm tra tiếng ồn và ánh sáng trong phòng ngủ của của trẻ.
7. Tránh nhìn đồng hồ và sử dụng các phương tiện công nghệ.
8. Ăn đủ no và đúng thời gian.
9. Nhận nhiều ánh sáng tự nhiên trong ngày.
10. Tránh các loại thức ăn, nước uống có chứa cafein.