"Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" là một bài thơ đặc sắc trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Lưu Quang Vũ ra mắt độc giả năm 2010. Đây là một tập thơ tràn đầy tinh thần công dân, đau đáu, nhiệt thành với Tổ quốc, luôn đấu tranh quyết liệt cho sự tốt đẹp và tôn vinh giá trị con người, giá trị dân tộc.
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục
Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh
Những mối tình trong gió bão tìm nhau
Giai điệu tự hào tháng 4 có cách thể hiện ấm cúng hơn, sâu sắc hơn. Lần đầu khán giả truyền hình sẽ nhớ lại 2 vở kịch nổi tiếng liên quan đến ngành Y của Lưu Quang Vũ mang tên: "Loài hoa bất tử" và "Nguồn sáng trong đời". Lần đầu tiên loại hình kịch nói được xuất hiện trên sân khấu của Giai điệu tự hào bên cạnh các tác phẩm âm nhạc và thơ ca vốn được đầu tư công phu về nghệ thuật. Cũng là lần đầu tiên, những tên tuổi gắn bó với kịch Lưu Quang Vũ như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Xuân Bắc và các diễn viên nhà hát kịch Việt Nam được sống cùng cảm xúc với những trích đoạn đặc sắc nhất, được tâm tư cùng những trăn trở với Lưu Quang Vũ trên sân khấu kịch nói.
Nếu thơ của Xuân Quỳnh tràn đầy tình yêu và nữ tính thì thơ và kịch của Lưu Quang Vũ lại ca ngợi sức mạnh của nhân dân, tinh thần đoàn kết, sự hi sinh và ý chí kiên cường của con người Việt Nam vượt qua mọi gian nan, thử thách suốt chặng đường dài lịch sử . "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" lúc này dường như đã tiếp thêm sức mạnh và nâng đỡ tinh thần người dân Việt trong bối cảnh "cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19". Tinh thần ấy, quyết tâm ấy sẽ được thể hiện bằng thơ, bằng nhạc và trích đoạn kịch với câu chuyện cảm động về những con người nơi tuyến đầu chống dịch.
Kỷ niệm 72 năm ngày sinh nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, lần đầu tiên, Giai điệu tự hào triển khai theo phương thức sản xuất mới, đặt hàng ca khúc chủ đề với nhóm nghệ sĩ hoà nhạc theo hình thức online. Nhạc sỹ trẻ tài năng của thể loại âm nhạc thính phòng giao hưởng Việt Nam - Nguyễn Ngọc Tú sẽ phổ nhạc cho bài thơ "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi". Nghệ sĩ Piano Trang Trịnh cùng nhóm 8 nghệ sĩ sẽ hòa âm với 8 loại nhạc cụ khác nhau tại nhà riêng. Sự kết hợp của bản phối hoà nhạc online hoàn hảo cùng với giọng ca đầy cá tính của ca sĩ soprano Hiền Nguyễn hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả truyền hình một màn trình diễn đầy ấn tượng.
Bên cạnh 2 bài thơ được phổ nhạc thành công là "Sóng", "Thuyền và biển" vốn rất quen thuộc của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, Giai điệu tự hào tháng 4 còn khéo léo giới thiệu những ca khúc đã lan toả tình yêu và sức mạnh dân tộc như "Giai điệu Tổ quốc" của nhạc sĩ Trần Tiến, "Để gió cuốn đi" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những gương mặt ca sĩ được khán giả yêu mến: Phạm Thu Hà, Lê Xuân Hảo, Rocker Hoàng Hiệp, Hoàng Hồng Ngọc và rapper Rica (trưởng nhóm Lộn xộn band)... Nhạc sỹ Hồng Kiên giám đốc âm nhạc cùng ban nhạc Giai điệu tự hào đã xử lý rất khéo léo phần nghệ thuật vốn được khán giả mong chờ trong mỗi chương trình. Phần giao lưu cùng những gương mặt thân quen NSUT Đức Trung, nhà thơ Vi Thuỳ Linh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà báo Vũ Mạnh Cường, ca sĩ Tuấn Hưng... sẽ giúp khán giả có cái nhìn tổng quan về những giá trị của kịch và thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh gắn với những tiên đoán đến hôm nay.
Lưu Quang Vũ (1948 -1988) là nhà soạn kịch, nhà thơ, nhà văn hiện đại của Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng Việt Nam. Tác phẩm ông nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 80. Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Với tuổi đời còn khá trẻ, 40 tuổi ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó như: "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Lời thề thứ 9", 'Bệnh sĩ", "Khoảnh khắc và vô tận", "Ông không phải bố tôi", "Tôi và chúng ta", "Tin ở hoa hồng", "Nàng Sita"... Vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17" được trao tặng Huy chương vàng Hội diễn sân khấu. Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.