Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 5 lịch sử, những ngày mà cách đây 60 năm, cả dân tộc ta "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Con đường Trường Sơn - đường 559 huyền thoại, con đường huyết mạch nối liền Nam Bắc, con đường chạy thẳng vào tim của những người yêu nước, những người khát khao thống nhất, hoà bình. Nó là ý chí, máu xương của những người nằm xuống, là khúc tráng ca của lịch sử, là niềm tự hào của triệu triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, là nơi huyền thoại bắt đầu. Và những câu chuyện về đường Trường Sơn, trong Giai điệu tự hào với chủ đề "Ý chí và con đường" sẽ được kể với rất nhiều những lần đầu tiên.
NSND Tự Long và tốp ca nam
Lần đầu tiên, những vũ khí hiện đại tối tân của Mỹ rải trên tuyến đường huyết mạch này sẽ được trực tiếp mang lên sân khấu, và khán giả sẽ được lắng nghe cách mà những vũ khí thô sơ nhất của chúng ta chế ngự được những vũ khí xếp hạng hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ. Số lượng những hiện vật liên quan đến con đường huyền thoại năm ấy được mang đến Giai điệu tự hào chưa bao giờ nhiều hơn thế. Khán giả có thể nhìn, nghe, cảm nhận và thật sự được sống trong những cảm xúc dạt dào của sự tự hào, kinh ngạc, khâm phục và cả xúc động.
Lần đầu tiên, chúng ta được thưởng thức điệu chèo qua bản phối cực kì ấn tượng của nhạc sỹ Lưu Hà An cho tác phẩm “Quả bom câm”, một bài hát rất ít khi được biểu diễn trên sân khấu và đặc biệt, qua trình bày của NSND Tự Long.
Giấy kết hôn của cặp vợ chồng đầu tiên và duy nhất có đám cưới ở Trường Sơn
Lần đầu tiên, một đám cưới Trường Sơn được tái hiện đầy xúc cảm trên sân khấu của Giai điệu tự hào, trong một tác phẩm âm nhạc quen thuộc, và cũng lần đầu tiên, được thể hiện qua giọng ca của chính người dẫn chương trình Lê Anh, Hồng Nhung.
Lần đầu tiên, những hiện vật, những sáng tạo cực kì thông minh của quân y dã chiến Trường Sơn xuất hiện trên sân khấu, được minh họa và tái hiện sinh động, tạo nên những khoảnh khắc hồi hộp, bất ngờ và cả thú vị đến mức khó thể tin.
MC Lê Anh và các chiến sỹ thử nghiệm máy phát điện đặc biệt ở các bệnh xá Trường Sơn
Thật nhiều lần đầu tiên, và cũng thật nhiều những điều giản dị chúng ta đã biết: rằng trong thời khắc sinh tử quyết chiến quyết thắng, nơi cái chết cận kề, nơi “quả bom câm” không báo trước, thì anh hùng vẫn hát vang những khúc tráng ca oai dũng, hoa vẫn nở và tình yêu vẫn đậm đà nơi rừng thiêng nước độc, tinh thần vẫn lạc quan, sáng tạo, niềm tin thì vẫn căng đầy nhựa sống. Tất cả những câu chuyện ấy được kể qua góc nhìn đặc biệt của những người lính Mỹ, bằng sự ngưỡng mộ chân thành.
Võ Hạ Trâm
“Chân trần chí thép”, chương cuối cùng trong Giai điệu tự hào tháng 5, cũng là tên một cuốn sách bán chạy tại Mỹ của James G. Zumwalt, trung tá thuỷ quân lục chiến - Con trai Đô đốc chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam - người đã ký lệnh dùng chất diệt cỏ để phá hoại sự tiếp viện của đường 559. Ông đã viết cuốn sách với tựa đề nói lên tất cả những gì người Việt Nam đã thể hiện suốt cuộc chiến. Ở Mỹ có câu nói “Chúng ta không thể hiểu một người nếu không đi bộ hàng dặm bằng đôi giày của người đó” và ông nói “Những cựu binh Mỹ nên đi đôi giày của những người lính Việt Nam”. Chiến tranh đã qua đi, chúng ta vẫn đang đi về phía trước bằng nỗ lực của “sự hàn gắn” và góc nhìn của ông James G. Zumwalt, cùng nhiều lính Mỹ khác xuất hiện trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 5 cũng sẽ là góc nhìn trực quan nhất gửi đến thông điệp cho khán giả: câu chuyện về con đường huyền thoại Hồ Chí Minh, thực sự là huyền thoại được kể về những người anh hùng, được ngưỡng mộ trên toàn thế giới, chứ không chỉ hiện diện qua những trang sách mà thôi.
Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em