Theo đó, mục tiêu của chương trình phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ của mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí, đảm bảo các đối tượng đều có cơ hội được chăm sóc, chữa trị, phục hồi; thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí theo quy định; tích cực huy động nguồn lực để hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần nhằm thúc đẩy sự phục hồi, bảo vệ quyền của người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí, hướng tới mục tiêu công bằng và phát triển bền vững.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, chương trình được ban hành với các mục tiêu xây dựng và triển khai các chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần dựa vào trường học, nơi làm việc và vào cộng đồng; các mô hình dự phòng và kiểm soát các rối loạn tâm thần. Dự phòng, phát hiện, chẩn đoán, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người bệnh tâm thần, trong đó chú trọng đến đối tượng trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi. Cùng với đó, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện tại cơ sở y tế chuyên khoa về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Tạo điều kiện cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí được tham gia học tập, giáo dục hòa nhập; thực hiện chính sách ưu đãi về giáo dục; lồng ghép giáo dục sức khỏe tâm thần tích cực và các yếu tố nguy cơ mắc rối loạn tâm thần vào Chương trình, hoạt động ở các cấp học. Phát triển dịch vụ tham vấn trong trường học (xây dựng chương trình tham vấn trong trường học, tập huấn và đào tạo giáo viên về tham vấn, tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần).
Xây dựng tài liệu thông tin, giáo dục cho giáo viên, gia đình và học sinh về sức khỏe tâm thần phù hợp với cấp học, bậc học; tăng cường hoạt động tuyên truyền giáo dục về sức khỏe tâm thần trong các trường học. Khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí và gia đình.
Kế hoạch của chương trình trong giai đoạn tới là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng. Hỗ trợ cơ sở vật chất xây dựng mô hình hướng nghiệp, lao động trị liệu với nhiều hình thức lao động phù hợp cho nhiều loại đối tượng, khả năng nghề nghiệp của bản thân người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí.
Chương trình cũng khuyến khích, tạo điều kiện để người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tham gia thể thao, văn nghệ, tiếp xúc với người thân… sinh hoạt, học tập theo năng khiếu, sở thích. Xây dựng quy trình hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng, tăng cường vai trò của cán bộ xã hội trong hỗ trợ người có vấn đề về sức khỏe tâm thần phục hồi và tái hòa nhập: Dạy nghề, việc làm, sinh kế, liên kết các dịch vụ xã hội, hỗ trợ kỹ năng sống...
Về phát triển và hoàn thiện mạng lưới cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần trong thời gian tới, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, chương trình sẽ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí theo quy hoạch của Trung ương và của tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện, đảm bảo sự kết nối giữa cơ sở y tế và cơ sở trợ giúp xã hội: Bao gồm các dịch vụ nâng cao sức khỏe tâm thần, dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng và chăm sóc xã hội.
Đồng thời, tiếp tục lồng ghép một số hoạt động của hệ thống Văn phòng Công tác xã hội và y tế cơ sở để tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, trợ giúp tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí và quản lý đối tượng tại địa phương. Thành lập nhóm, Câu lạc bộ gia đình có đối tượng là người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí để trao đổi kinh nghiệm giáo dục và chăm sóc tại gia đình; can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ, người rối nhiều tâm trí dạng nhẹ. Hỗ trợ cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập hoạt động hiệu quả nhằm tăng cường điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng và năng lực cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí. Hướng dẫn về thủ tục, điều kiện thành lập và chuyên môn nghiệp vụ đối với các cơ sở ngoài công lập thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện. Hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH.