Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giai đoạn mới trong sự phát triển đất nước

 
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước sáng 23/10. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
 
Hệ thống chính trị được hoàn thiện thêm một bước
 
Lịch sử phát triển của đất nước Việt Nam hiện đại gắn liền với một hệ thống chính trị chặt chẽ do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hệ thống này thường được thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng cụ thể. Vào cuối năm 2018 - khi Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển và hội nhập mạnh mẽ, chức Tổng Bí thư - Chủ tịch nước do một người nắm giữ. Người đó là ông Nguyễn Phú Trọng.
 
Ông Nguyễn Phú Trọng là một người có quá trình công tác lâu dài; trải qua nhiều công việc và cương vị khác nhau; từ một nhà báo, nhà lý luận, ông trở thành một nhà lãnh đạo Quốc hội, Đảng, Nhà nước. Để lần lượt nắm giữ những chức vụ quan trọng như vậy, ông Trọng đã thể hiện được những phẩm chất quý giá của mình: liêm khiết, nhiệt tình, sâu sắc, khách quan, am hiểu công việc, luôn luôn đặt lợi ích của tập thể, của đất nước lên trên hết.
 
Với việc ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, hệ thống chính trị của Việt Nam được hoàn thiện thêm một bước ở chỗ nhiều hoạt động sẽ chính danh và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ví dụ, bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng đi thăm chính thức một quốc gia nào đó, họ sẽ đón với nghi lễ cao nhất mà không phải lăn tăn, bàn cãi gì nữa. Trước đây, với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng đi thăm các nước đều được đón tiếp với lễ nghi cao nhất, nhưng trước đó các quốc gia vẫn phải thảo luận vì không phải đảng cầm quyền ở đó tiếp, mà là nhà nước tiếp.
 
Với công việc đối nội cũng thế. Bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng trực tiếp xem xét, giải quyết những công việc của quốc gia. Ví dụ, việc phong quân hàm cấp tướng cho những người phục vụ trong lực lượng vũ trang là quan trọng và thiêng liêng; việc này bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng phụ trách là vô cùng hợp lý. Còn nhiều việc liên quan đến quốc kế, dân sinh - giữ chức Tổng Bí thư - Chủ tịch nước là một người sẽ thuận lợi hơn trong việc nắm bắt tình hình và đưa ra quyết sách.
 
Một trong những việc mừng nữa là Quốc hội vừa lấy phiếu tín nhiệm của 48 vị trí lãnh đạo chủ chốt. Kết quả cho phép Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nắm bắt được năng lực, uy tín của những con người, bộ, ngành cụ thể để điều hành công việc và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 
TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước: Ảnh: Internet
 
Những gì đáng mừng, những gì đáng lo?
 
Trong lời phát biểu sau khi Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Giống như cách đây 12 năm, khi Quốc hội bầu tôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội, tôi vừa mừng vừa lo…”. Đây không phải là cách nói thông thường khi ai đó được giao một trọng trách quốc gia. Trong trường hợp này, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nói những điều rất thực tế.
 
Những điều mừng có rất nhiều, những thuận lợi là cơ bản “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay”. Đó là tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định, mức tăng trưởng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; an sinh xã hội được bảo đảm, mặc dù thiên tai gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Đạt được điều này là nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội - đơn vị chịu trách nhiệm chính về bảo đảm an sinh xã hội. Việc chống tham nhũng đạt kết quả bước đầu nên niềm tin của nhân dân đang trở lại. Do vậy, tình hình an ninh chính trị được bảo đảm, sự ổn định tiếp tục được giữ vững. Giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bắt đầu khởi sắc, đạt được những thành tích đáng kể trong các cuộc thi tay nghề, thi toán và khoa học quốc tế.
 
Còn những điều lo cũng không phải là ít. Trước hết, đó là tình hình thế giới hiện nay rất khó lường, mà Việt Nam lại là nước đang có vị thế khá nổi bật trên trường quốc tế nên chịu ảnh hưởng rất nhiều. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước phải xem đối ngoại là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Biển Đông vẫn là vấn đề phức tạp chưa được giải quyết triệt để.
 
Một số vấn đề đối nội cần phải quan tâm trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, hiện nay một số mặt hàng tăng giá, lạm phát có thể tăng, thị trường chứng khoán biến động mạnh. Nợ công vẫn là một vấn đề cần kiểm soát chặt chẽ và có hướng giải quyết cụ thể. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì nợ của Chính phủ giảm nhưng nợ quốc gia (bao gồm nợ của các công ty, tư nhân) tăng. Là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch phải có trách nhiệm với vấn đề này. Vấn đề tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân của người dân chủ yếu là của Chính phủ, nhưng cũng nằm trong sự quan tâm của Chủ tịch nước.
 
Ngoài ra, một số vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội như nhiều công trình có vốn đầu tư lớn kém chất lượng; vấn đề tiêu cực ở Thủ Thiêm; việc rừng phòng hộ Sóc Sơn bị “xẻ thịt”… cũng là những vấn đề nhân dân hi vọng Chủ tịch nước quan tâm, chỉ đạo và cho hướng giải quyết rốt ráo.
 
Như vậy, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hiểu rõ được tình hình, biết được những thuận lợi và khó khăn để đưa ra những quyết sách phù hợp nhất.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quốc hội 
 
Khi người đứng đầu đất nước lo, dân có thể mừng
 
Mỗi khi được giao một trọng trách, ông Nguyễn Phú Trọng đều phát biểu rất chân thành. Khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Đến giờ, cũng trong tâm trạng đó nhưng tôi có phần lo lắng hơn”.
 
Theo tôi, lịch sử đã chỉ ra rằng, khi người đứng đầu đất nước, nắm quyền lực rất lớn trong tay mà lại tỏ ra lo lắng thì đấy là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm, đầy tâm huyết, không bao giờ hài lòng với những gì đã đạt được. Điều này đặt đất nước, đặt người dân vào trạng thái luôn luôn tỉnh táo để làm việc, để phấn đấu đạt kết quả cao hơn nữa. Ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “…Chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế” thì mỗi cán bộ, người dân cần hiểu mình phải làm gì.
 
Khi người đứng đầu Đảng, đứng đầu đất nước lo thì người dân có thể mừng bởi hai lẽ: 1. Người lãnh đạo đã biết rõ tình hình, biết rõ cần phải làm gì; 2. Lo chính là hoạt động suy nghĩ, tìm tòi các giải pháp tốt nhất để điều hành đất nước.
 
Đất nước Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với một nhà lãnh đạo liêm khiết, sâu sát và đầy nhiệt huyết. Điều này mang đến nhiều hi vọng cho người dân. 
 
Một cơ hội đã được mở ra

Không phải ngẫu nhiên phiếu bầu Chủ tịch nước ở Quốc hội lại tập trung đến thế: 476/477, nghĩa là 99,79%. Điều này nói lên rất nhiều vấn đề, trước hết đấy là uy tín của ông Nguyễn Phú Trọng.

Khi xuất hiện khả năng Tổng Bí thư giữ luôn chức Chủ tịch nước, giới quan sát cũng như người dân rất quan tâm. Điều này dễ hiểu vì vấn đề này liên quan đến việc lãnh đạo, điều hành đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Hơn nữa, cách đây cả chục năm, những nhà lý luận trong lĩnh vực lập pháp, tổ chức hoạt động của Nhà nước đã từng bàn đến vấn đề khi nào thì ở Việt Nam có người giữ chức Tổng Bí thư - Chủ tịch nước.

Giới lý luận chỉ ra rất nhiều điều hay, điều tốt, điều thuận lợi khi một người nắm giữ cả hai chức này. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi, vấn đề này không được những cơ quan quyền lực cao nhất mang ra bàn thảo. Có lẽ đây là vấn đề quá lớn, quá quan trọng nên người ta phải thận trọng, phải chờ đợi cơ hội thuận lợi. Cơ hội đấy đã đến vào những tháng cuối cùng của năm 2018. Quốc hội đã nắm bắt và biến cơ hội thành hiện thực - đáp ứng mong mỏi của giới lý luận cũng như người dân bình thường.

Sau khi một người nắm giữ cả hai chức Tổng Bí thư - Chủ tịch nước thì cơ hội với đất nước cũng được mở ra. Điều này cho phép nhiều hoạt động của đất nước Việt Nam sẽ chính danh trong thời đại phát triển và hội nhập. Cụ thể ở đây Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thể trực tiếp đưa những nghị quyết của Bộ Chính trị vào thực tiễn cuộc sống mà không phải thông qua người khác vì ông đã là người đứng đầu Nhà nước rồi. Hơn nữa, trong hoạt động đối ngoại, dù là song phương hay đa phương, ông Trọng luôn luôn là người chính danh đứng đầu Nhà nước Việt Nam.

Cơ hội đã được mở ra, chúng ta sẽ tận dụng để xây dựng đất nước vững mạnh.
 
                                                         Trọng Đàm

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE