Làm những điều tốt nhất cho con ngay từ trong bụng mẹ
“Rỗng” kiến thức về chăm sóc sức khỏe thai kỳ hay nuôi dạy con là điều thường gặp ở nhiều bà mẹ trẻ lần đầu mang thai. Phải làm gì để tốt nhất cho con ngay từ trong bụng mẹ, cách thức nuôi dạy con hiện đại để trẻ ngoan ngoãn, mạnh khỏe và tự lập…?
Thường xuyên đọc sách cho bé nghe hay giao tiếp với bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ có thể giúp bé nhận biết giọng của mẹ. Bằng cách đọc những cuốn sách dành cho bà bầu, truyện ngụ ngôn, trò chuyện cùng con... bé có thể hiểu và nhận biết được ngôn ngữ từ sớm, đồng thời tạo sợi dây liên kết tình cảm giữa bố mẹ và thai nhi trong bụng.
Đọc sách cũng có thể giúp bé thư giãn. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nhịp tim và nhịp thở của thai nhi sẽ chậm lại khi trẻ được nghe bố mẹ đọc sách. Việc nhịp tim và thở chậm lại được cho là tốt cho sự phát triển của bé. Các hóc môn “hạnh phúc” được tiết ra khi mẹ đọc sách, thư giãn, thể hiện tình yêu với con cũng ảnh hưởng theo hướng tích cực lên thai nhi khiến thai nhi vui vẻ và khỏe mạnh hơn.
Do đó, mẹ hãy thường xuyên trò chuyện, hát, đọc sách cho trẻ nghe từ khi thai nhi được 20 tuần tuổi. Bởi thời điểm này, thai nhi có thể nghe rõ âm thanh. Mẹ nên lựa chọn đọc sách khi bé thức, lựa chọn không gian yên tĩnh, đủ thoải mái để bé có thể nghe được giọng của mẹ một cách rõ ràng hơn.
Để trẻ chơi và khám phá những đồ vật an toàn trong nhà, ngoài trời
Những món đồ chơi sẽ tạo cho trẻ một cơ hội tìm hiểu, khám phá tốt trong trí óc của trẻ, đặc biệt là nó sẽ tác động tích cực tới các giác quan. Khi chơi các đồ chơi trong nhà, ngoài trời, cha mẹ hãy khuyến khích cho trẻ phát huy được trí tưởng và các kỹ năng khác. Nghiên cứu cho thấy rằng những món đồ chơi ngoài trời sẽ giúp bé vận động nhiều hơn giúp trẻ được thao tác, được hoạt động, trải nghiệm, được thể hiện những nhu cầu cá nhân, được phát triển cân đối hài hòa, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện.
Cha mẹ lưu ý cho trẻ tiếp xúc với những món đồ an toàn, mịn, không có nhiều cạnh sắc và có các lỗ thông gió để tránh nghẹt thở nếu như con bạn sơ sẩy bị mắc kẹt bên trong, giúp trẻ an toàn khi phải chơi 1 mình. Không cho trẻ tiếp xúc với những món đồ chơi không rõ nguồn gốc, những đồ chơi nguy hiểm tới sức khỏe của bé. Hoặc các bộ phận nhỏ trong đồ chơi sắc, nhọn hoặc cứng nhắc, có gai, gây xước da chảy máu, nguy hiểm cho trẻ hoặc chi tiết nhỏ như viên bi tròn… Tuyệt đối không lựa chọn những đồ chơi có mùi quá rõ như mùi khét, mùi cao su, mùi hăng hoặc bất cứ mùi nào khác vì các loại đồ chơi này có khả năng được làm từ các nguyên vật liệu không đảm bảo có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Cùng chơi và khám phá thế giới xung quanh với trẻ
Chỉ cần chịu khó quan sát một chút, cha mẹ có thể dễ dàng nhận ra bé yêu nhà mình có thói quen tiếp cận một đồ vật mới thông qua vị giác, khứu giác hoặc sờ, nắn, âm thanh. Hãy liên tục hỗ trợ và gợi mở để kích thích các giác quan con phát triển.
Tất cả các bài học cho con đều bắt nguồn từ chính cuộc sống hàng ngày. Cha mẹ có thể biến môi trường xung quanh trở thành lớp học cho con. Ví dụ: với những loại trái cây trong bếp nhà mình, mẹ hãy cho con sờ thử, rồi gọt vỏ để con ngửi mùi của nó, cho con ăn để con nếm trọn vị của quả. Bằng cách đó, mẹ đã cùng lúc kích thích rất nhiều giác quan của con hoạt động mạnh mẽ và phong phú. Sau này, chỉ cần nhắc tên một loại quả là bản đồ trải nghiệm trong con sẽ lập tức “đánh thức” những ký ức liên quan như mùi gì, màu gì, hương vị thế nào… Tương tự, trong từng hoạt động hằng ngày, mẹ hãy tranh thủ giới thiệu và để con được tự do tiếp xúc với mọi thứ xung quanh.
Ngoài ra, người lớn cần kiềm chế bạo lực và xung đột (bằng lời nói hoặc hành động) trong môi trường sinh hoạt của trẻ; hạn chế xao nhãng trẻ.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên lưu ý lựa chọn chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học và tiên tiến giúp tăng cường hấp thu dưỡng chất, hỗ trợ sự phát triển trí não và thị giác để bé yêu lớn nhanh, lanh lợi.