Cuốn sách “Giải mã doanh nhân” được chia làm 4 phần, trong đó phần đầu tiên tác giả đi sâu giải thích vào những lầm tưởng phổ biến về kinh doanh và khởi nghiệp.
Những doanh nhân được coi là các vị thánh, hình mẫu tiêu biểu cho phong trào khởi nghiệp của Thung lũng Silicon bao gồm: Bill Gates của Microsoft, Larry Ellison của Oracle, Jeff Bezos của Amazon, Steve Jobs của Apple, Elon Mush của SpaceX, Mark Zurkerberg của Facebook… Thông minh, khởi nghiệp ngay từ khi còn rất trẻ tuổi, không bỏ cuộc trước thất bại, cuối cùng họ thành công và trở nên giàu có, nổi tiếng – là đặc điểm chung của những doanh nhân xuất chúng này.
Dù chỉ là một tập hợp rất nhỏ nhưng với sự góp sức của các hãng truyền thông thạo đời, hành trình kinh doanh của những vị thánh này trở thành huyền thoại có sức hút mãnh liệt và là mục tiêu phấn đấu của không ít người trẻ tuổi.
Thêm vào đó, khi khuôn mẫu khởi nghiệp của Đại học Stanford và Thung lũng Silicon lan rộng ra khắp nơi trên thế giới, rất nhiều người đều cho rằng khởi nghiệp liên quan đến việc lên ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh, kêu gọi vốn đầu tư, cuối cùng mới là xây dựng doanh nghiệp.
Hậu quả là hiện nay có rất nhiều người trẻ xuất phát từ cái nôi của tinh thần kinh doanh hiện đại (Đại học Stanford, Thung lũng Silicon, Đại học Harvard) và ở khắp nơi trên thế giới, chỉ chăm chú vào quá trình lập kế hoạch kinh doanh và gọi vốn đầu tư mà không quan tâm nhiều đến việc vận hành kinh doanh thực sự.
“Kinh doanh vốn mang tính cá nhân và cũng đa dạng hơn rất nhiều, cả về nền tảng của các doanh nhân cũng như hành trình họ thực hiện”. Đây chính là thông điệp mà tác giả David Sax muốn truyền tải tới độc giả.
Trong hai phần tiếp theo của cuốn sách “Giải mã doanh nhân”, David dẫn dắt độc giả đến với câu chuyện của những người lần đầu khởi nghiệp như những người tị nạn Syria ở Toronto, chủ một cửa hàng bán bánh trên bãi biển Rockaway vùng ngoại ô New York… Rồi câu chuyện của những người kế thừa như doanh nhân Kevin Mauger với hệ thống tự động NCC, Iduna Weinert với nhà máy rượu của gia đình tại Argentina… thậm chí là câu chuyện khởi nghiệp của chính người thân, bạn bè của tác giả.
Khác với hình thức trông chờ nguồn vốn từ những nhà đầu tư mạo hiểm theo kiểu khởi nghiệp của Thung lũng Silicon, những doanh nhân mà David Sax kể ra hoàn toàn khởi nghiệp dựa vào nguồn vốn của chính mình hoặc gia đình mình. Khởi nghiệp kinh doanh với họ là con đường không có đường lui, dù thế nào họ cũng phải tiến về phía trước. Vì trong nhiều trường hợp nếu không làm vậy, họ sẽ không thể tạo ra được sinh kế, đẩy gia đình vào đói nghèo.
Ở trong hoàn cảnh đó, tinh thần kinh doanh của các doanh nhân khởi nghiệp sẽ quyết liệt hơn nhiều lần những người trẻ xuất thân từ các trường nằm trong top Ivy - nếu có thất bại, số tiền mất đi chủ yếu là của các nhà đầu tư, hiếm khi là tài sản cá nhân của những người sáng lập. Hành trình khởi nghiệp trở thành câu chuyện nằm trơ trọi trên sơ yếu lý lịch, và chủ nhân của những tấm bằng từ các trường thuộc nhóm Ivy không mấy khó khăn tìm một công việc mới.
Cũng bởi không liên quan về tài chính với các nhà đầu tư, nên những doanh nhân này có sự độc lập hoàn toàn trong việc xác định định hướng kinh doanh cũng như cuộc sống của mình. Đây chính là điều khiến nhiều người kiên quyết phải khởi nghiệp cho bằng được.
Dầu vậy thông qua câu chuyện của các doanh nhân được đưa ra trong cuốn sách, David Sax cũng chỉ ra thực tế: Khi vật lộn với hành trình kinh doanh của riêng mình, nhiều doanh nhân phải đối mặt không ít khó khăn như phải đối mặt với áp lực công việc, rắc rối về tài chính, trục trặc trong quan hệ với người thân…
“Giải mã doanh nhân” sẽ truyền cho những ai đang ấp ủ khởi nghiệp động lực để xây dựng doanh nghiệp theo cách của riêng mình. Với các doanh nhân đã khởi nghiệp, cuốn sách sẽ giúp họ tìm thấy ít nhiều hình bóng của mình trong trang sách, cũng như niềm an ủi động viên trước những căng thẳng, áp lực trong công việc kinh doanh hàng ngày.