Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giải mã hoàng bào được cho là của vua Hàm Nghi

Trong số gần 100 bộ trang phục cung đình ấy, có một hiện vật khá thú vị khiến nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng liên tưởng đến cuộc bôn tẩu của vua Hàm Nghi trong biến cố thất thủ kinh đô ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (1885).

 

Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2015 (diễn ra từ ngày 29/4 – 2/5), nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng (ngụ xã Phú Thượng, huyện.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) đã trình làng 12 hiện vật trang phục cung đình trong số 100 bộ trang phục triều Nguyễn được anh sưu tập ở vùng núi Quảng Trị.

 

Chiếc hoàng bào của hoàng đế triều Nguyễn phù hợp với độ tuổi vua Hàm Nghi đã được anh Hoàng tìm thấy ở miền tây Quảng Trị và đã hiến tặng Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh.

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng và những cổ vật của mình.

 

Lưu lạc ở miền tây Quảng Trị

Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, trong quá trình sưu tầm cổ vật, anh đã bất ngờ phát hiện nhiều bộ trang phục cung đình triều Nguyễn từ quan phục, thường phục... cho đến áo bào hoàng đế đều được đồng bào các dân tộc vùng núi ở miền tây Quảng Trị, gồm các huyện Hướng Hóa, Khe Sanh (Quảng Trị) và một số bản làng dân tộc Lào gần biên giới Quảng Trị lưu giữ.

Anh Hoàng kể, một lần ra vùng Cùa (tỉnh Quảng Trị), anh tình cờ tìm thấy một chiếc áo đã phai màu và có một số chỗ đứt chỉ. Chiếc áo có 20 hình rồng năm móng được thêu nổi mặt trước, sau, trên cánh tay và cổ áo, phía trước ngực có chữ thọ. Với kinh nghiệm của mình, anh biết đích xác đó là hoàng bào của vua nhà Nguyễn.

Từ những phát hiện thú vị này, anh bỏ công lặn lội khắp các vùng đồng bào dân tộc và thật bất ngờ khi đã tìm thấy gần 100 bộ trang phục triều Nguyễn, bao gồm cả hoàng bào của nhà vua; áo hoàng hậu; áo mã tiên của vũ công Bát dật trong dàn nhã nhạc triều Nguyễn; trang phục tuồng; áo bào hoàng tử cùng một số áo đại triều của quan và hoàng thân triều Nguyễn...

Anh Hoàng cho biết những người còn cất giữ những bộ trang phục này đa số đều không biết nguồn gốc xuất xứ của nó, chỉ nghe ông bà, cha mẹ kể lại là đã mua của người Kinh bán lại từ nhiều đời. Người khác thì cho rằng, do tổ tiên của mình có công giúp đỡ quan binh triều đình nên được tặng. Nhiều người dân sở hữu một bộ trang phục cung đình vì thấy đẹp chứ không hề biết đó là trang phục cung đình ngày xưa.

Nhiều người biết giá trị của nó nhưng cất làm kỷ niệm, một hai không chịu chuyển nhượng. Anh phải bỏ công sức mấy năm trời mới thuyết phục mua lại được. “Mỗi lần tìm được một chiếc áo là tôi sung sướng đến mức không ngủ được. Tôi cứ ngồi chiêm ngưỡng nó mãi”, anh Hoàng tâm sự.

Từ đoàn tùy tùng vua Hàm Nghi

Trong số gần 100 bộ trang phục cung đình ấy, có một hiện vật khá thú vị khiến anh Hoàng liên tưởng đến cuộc bôn tẩu của vua Hàm Nghi trong biến cố thất thủ kinh đô ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (1885). Đó là chiếc áo hoàng đế dài 1,07 m. Đây là chiếc hoàng bào của hoàng đế nhưng kích cỡ chỉ vừa với người ở lứa tuổi 15 - 16, trùng khớp độ tuổi của vua Hàm Nghi vào thời điểm bôn tẩu ra đây.

Theo tài liệu lịch sử, đêm 22 rạng 23 tháng 5 âm lịch (ngày 5 -6/7/1885, quân Pháp sau khi công phá xong trấn Hải Thành, ở cửa biển Thuận An) đã đánh úp vào kinh thành Huế. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi cùng tam cung lên đường ra Quảng Trị, sau đó lên vùng Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị), thảo hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Pháp.

“Có thể trong cuộc bôn tẩu này, do gặp khó khăn trên đường đi nên nhà vua và đoàn tùy tùng đã phải dùng trang phục của mình để đổi lấy lương thực, phương tiện di chuyển. Hoặc giả cũng có thể trên đường đi, nhà vua và quan binh đã nhận được sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc miền tây nên dùng trang phục, tài sản mang theo để tặng lại cho đồng bào như một sự tri ân. Tất cả đều là giả thuyết, muốn biết được hành trình vì sao rất nhiều bộ trang phục triều Nguyễn lưu lạc ở vùng tây Quảng Trị cần có nghiên cứu sâu hơn, mới có câu trả lời”, anh Hoàng nói.

Anh Hoàng cũng cho biết, trong gần 100 bộ trang phục triều Nguyễn anh sưu tầm được từ vùng miền tây Quảng Trị, hiện tại anh đã chuyển nhượng 41 bộ cho Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. Riêng chiếc hoàng bào của hoàng đế anh cũng đã hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh.