Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giải mã "máu dê" của đàn ông

Trong cơ thể con người không có nhóm máu nào gọi là máu dê cả, mà trong chuyên môn máu được chia làm nhiều nhóm, dựa theo một số chất cacbohydrat và protein đặc thù trên hồng cầu. Có khoảng 46 nhóm khác nhau, trong đó có các nhóm máu chính là O, A, B, AB và yếu tốRhesus(Rh).

 

Vậy máu dê là máu gì?.Không cần nói ra thì ai cũng hiểu “máu dê” thường để chỉ những người có tính… dê. Máu dê có lẽ có xuất phát từ những “thành tích” về hoạt động tính dục của dê đực và tất cả hình ảnh có liên quan đến con vật này, như: tiếng kêu be be, hàm râu quặp dưới cằm, thấy “con gái” là la cà đến làm quen… đều được mọi người hiểu theo nghĩa trên.

Trong lịch sử, có câu huyện nổi tiếng của con dê gắn liền với sắc dục là chuyện của vua Tấn Vũ Đế (236 - 290) Trung Quốc. Trong cung Tấn Vũ Đế lên tới hàng nghìn người cung phi, nên nhà vua nghĩ ra một cách đó là ông thường ngồi xe dê đi trong cung để chọn cung phi qua đêm, cứ ngồi trên xe cho dê dẫn đi, dê dừng ở đâu thì ông sẽ ngủ lại ở đó. Những cung phi được qua đêm cùng với nhà vua tất sẽ được ban thưởng sự sủng ái. Đối với những người bao năm chưa bao giờ gặp mặt vua, nên họ nghĩ ra cách là để lá xoan cành trúc, vẩy nước muối vào lá trúc, rắc rượu trước nhà để lôi kéo xe dê dừng lại cửa phòng, hoàng đế vào nghỉ với mình.

Giải mã “máu… dê”!

Trong văn hóa Việt nam, những ông có máu thích lang chạ trong tình ái thường được ví là “dê xồm”, loại dê bị ghét:

“Dê xồm ăn lá khổ qua/Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm”.

Trong Lục Vân Tiên, Bùi Kiệm được miêu tả:

“Con người Bùi Kiệm máu dê/Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu”.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương châm chọc lũ trai trẻ:

“Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”.

Sự thật thì ai cũng có... máu dê, không nhiều thì ít. Do vậy có câu:“Đàn ông không có máu dê/Ông đó nhất định pêđê mất rồi!”.

Con người bắt đầu xuất hiện sự yêu thích người khác giới chính từ sự thay đổi ở tuyến nội tiết ở não bộ. Khi bắt đầu ở tuổi dậy thì, nữ từ 9 - 14 tuổi, nam từ 12 - 13 tuổi, tuyến yên ở não sẽ tiết ra những lượng lớn hoóc-môn có tác dụng kích thích hoạt động của buồng trứng ở con gái, tinh hoàn ở con trai. Nhận lệnh của tuyến yên, buồng trứng của con gái tăng cường sản xuất hai hoóc-môn oestrogen và progesteron; tinh hoàn của con trai sinh thêm testosteron. Các hoóc-môn này khiến cho cơ thể biến đổi thật kì diệu: bỗng nhiên ta “nhổ giò” cao lêu nghêu, vóc dáng chuyển thành hình một thiếu nữ, một chàng trai, cơ quan sinh dục phát triển, các đặc điểm giới tính khác như: lông, râu, ngực trở nên rõ rệt; con gái bắt đầu hành kinh; con trai có hiện tượng xuất tinh. Sự phát triển đó đưa chúng ta bước vào một cuộc sống mới.

Sự bài tiết hoóc-môn thay đổi theo thời gian trong ngày, trong năm và trong suốt cuộc đời. Mỗi người có những thời điểm mà nồng độ hoóc-môn tăng cao trong ngày. Ở nam giới, người ta nhận thấy rằng nồng độ testosterone tăng cao vào 5 - 10 giờ sáng. Người ta cho rằng mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa cưới xin nhưng thật ra mùa xuân không phải là mùa thuận lợi nhất cho sinh hoạt tình dục, vì cơ thể nam tiết ra testosterone ít nhất vào tháng 2 - 3 và nhiều nhất vào cuối hè đầu thu, thường là vào lúc nửa đêm hoặc 8 giờ sáng. Testosterone cũng giảm theo tuổi tác ở nam giới nhưng tuổi tắt dục của nam giới chậm hơn, nhiều người ngoài 70 tuổi vẫn còn ham muốn và hoạt động tình dục.

Tuy nhiên, ham muốn tình dục ở con người không hoàn toàn chịu sự chi phối của hoóc-môn mà còn chịu sự kiểm soát của ý thức: biết kiềm chế, phán xét và thích nghi chứ không phải tìm sự thỏa mãn bằng mọi giá. Khả năng này đã giúp con người biết lựa chọn bạn tình, sống chung thủy, biết làm chủ cảm xúc và hành động có liên quan đến “máu dê” không phải có “máu dê” là “dê” thỏa thích. Nếu vậy, người biến thành... dê mất rồi!