Mới giải ngân được hơn 7.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 30/4/2015, mới giải ngân được 7.155 tỷ đồng trong gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền đã cam kết là 13.078 tỷ đồng. Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 16.870 hộ với số tiền là 7.999 tỷ đồng và giải ngân cho 16.432 hộ, với số tiền là 5.211 tỷ đồng.
Các tổ chức đã cam kết cho vay 38 dự án, với số tiền là 5.079 tỷ đồng, đã giải ngân cho 33 dự án, dư nợ là 1.944 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm triển khai, số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay là 13.078 tỷ đồng (đạt 43,3%), góp phần hỗ trợ cho khoảng 17.000 hộ được cải thiện nhà ở.
Theo phân tích của Bộ Xay dựng, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, mới làm lần đầu, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2 để bán cho người dân, nên người dân chưa thể vay vốn.
Về phía ngân hàng, khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là hộ gia đình, cá nhân. Trong thời gian tới, khi có lượng lớn dự án có đủ điều kiện để bán hàng thì tốc độ giải ngân sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Khu thu nhập thấp ở khu đô thị Việt Hưng.
Chia sẻ về những khó khăn khi tiếp cận gối 30.000 tỷ, anh Nguyễn Chí Kiên (giảng viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) cho biết, anh đã làm thủ tục vay gói 30.000 tỷ đồng suốt gần một năm qua nhưng không thể vay vì vướng mắc trong việc chứng minh thu nhập.
Anh Kiên cho hay, đến nay đã hơn 5 năm công tác tại trường, tích cóp mãi mới được 400 triệu đồng, anh muốn vay thêm 500 triệu nữa để mua một căn hộ có giá 900.
Tuy nhiên, khi đem hồ sơ đến Ngân hàng Agribank, anh bị nhân viên của ngân hàng này từ chối với lý do mức thu nhập của hai vợ chồng không nằm trong diện cho vay. “Lương giảng viên của mình là 5,4 triệu dồng/tháng, lương giáo viên mầm non của vợ là 3 triệu đồng/tháng, tổng cộng chưa tới 9 triệu đồng, ngan hàng cho rằng chúng tôi không có khả năng trả nợ !”, anh Kiên nói.
Khó xác định đối tượng
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đến nay mới giải ngân được hơn 7.000 tỉ đồng nên cơ hội cho người vay còn rất lớn. Theo ông Châu, chủ trương, chính sách chúng ta đã có nhưng việc thực thi quá chậm, trong khi người dân nghèo vẫn cứ trông chờ để được có cơ hội mua các dự án nhà ở xã hội. Không những vậy, các ngân hàng lại quá thận trọng trong việc người dân không có khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn có quy định “điều kiện được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà ở thì người vay phải có thu nhập không quá 9 triệu đồng/tháng”. Thế nhưng, ở Việt Nam, ngoài thu nhập chính là lương thì người dân còn có nhiều hoạt động riêng để tăng thêm thu nhập. Nếu chỉ căn cứ theo bảng lương thì có rất nhiều người sẽ không thể vay được gói tín dụng này, trong khi thu nhập đó đủ khả năng để trả nợ cho ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh TP.HCM, chia sẻ, mặc dù các quy định để người dân vay tiền mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã được thay đổi nhiều, từ thời hạn vay, lãi suất... nhưng hiện còn nhiều hạn chế. Công văn 395 của Bộ Xây dựng mới đâyđề nghị các ngân hàng xét đối tượng được vay phải là người có thu nhập dưới 9 triệu đồng, yêu cầu này đã khiến nhiều hồ sơ bị ách lại.
Nhận rõ sự bất cập, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai các quy định của Chính phủ; chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các dự án đang triển khai để phân loại: Dự án tiếp tục được triển khai, cần điều chỉnh hay chuyển đổi; đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục với nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang và điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại,...