Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Giải pháp đột phá góp phần hoàn thành các mục tiêu vì sự phát triển bền vững

(Dân sinh) - “Việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 chưa hoàn thành

Giải pháp đột phá góp phần hoàn thành các mục tiêu vì sự phát triển bền vững - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác xoá nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 58, chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&H Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay do yêu cầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Bên cạnh đó là yêu cầu tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia, gồm: Tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 chưa hoàn thành; giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia như: Giải quyết một số vấn đề lớn lĩnh vực giảm nghèo; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp.

Đồng thời là yêu cầu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững: Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 xác định các mục tiêu cụ thể và các giải pháp đột phá để góp phần hoàn thành các mục tiêu vì sự phát triển bền vững.

Giải pháp đột phá góp phần hoàn thành các mục tiêu vì sự phát triển bền vững - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo tại Phiên họp.

"Việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình. Ủy ban nhận thấy, giảm nghèo đa chiều, bền vững cũng là thực hiện mục tiêu, giải pháp của an sinh xã hội bền vững, là vấn đề quan trọng, cấp bách, phù hợp với khả năng đáp ứng về nguồn lực để giải quyết bằng chương trình mục tiêu quốc gia  cho giai đoạn tới.

Ủy ban đề nghị Chính phủ điều chỉnh giữ lại trong Chương trình những nội dung về "an sinh xã hội" có liên quan trực tiếp đến địa bàn nghèo, hộ nghèo; các nội dung còn lại đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, chương trình cần điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu, các dự án, giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch COVID-19; dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu khi Chương trình kết thúc để có thể đánh giá tính bền vững.

"Ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn vốn thực hiện hướng tới mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều bao trùm bền vững, bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu cho từng chiều nghèo. Đồng thời, bố trí đủ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho Chương trình mà Chính phủ đã dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 20.000 tỷ đồng trên cơ sở đã bổ sung các nội dung bảo đảm thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, các chiều thiếu hụt của dịch vụ xã hội cơ bản, người nghèo không có khả năng lao động. Các nội dung "an sinh xã hội" được chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được bố trí kinh phí đủ từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn. Cân đối nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình khi trình Quốc hội cho ý kiến", bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Giải pháp đột phá góp phần hoàn thành các mục tiêu vì sự phát triển bền vững - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Khắc phục tình trạng tái nghèo cao ở vùng khó khăn, vùng bị thiên tai

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ, trực tiếp là Bộ LĐ-TB&XH và đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chương trình giảm nghèo bền vững thu được thành tựu rất lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58,1% xuống còn 2,7% năm 2020 và không ít người dân tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Kết quả đó phải kể đến công lao đóng góp của Chính phủ mà cơ quan chủ trì là Bộ LĐ-TB&XH, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc tiếp tục thực hiện chương trình này là một chủ trương rất đúng đắn. Công tác xoá nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững mà Việt Nam thực hiện.

Về phạm vi của Chương trình, theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn nên tập trung vào giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần tập trung quan tâm một số nội dung hết sức quan trọng như hệ thống bảo trợ xã hội, hệ thống trung tâm cai nghiện, năng lực của các trường nghề… và cân đối kinh phí để đầu tư cho các nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo chương trình đánh giá thêm việc một số địa phương còn quy định chuẩn nghèo cao hơn chuẩn chung của cả nước, không phân biệt đối tượng thụ hưởng, tiếp tục hoàn thiện tiêu chí nghèo đa chiều. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải khắc phục tình trạng tái nghèo cao ở vùng khó khăn, vùng bị thiên tai; ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách, xem xét việc biểu dương những người chủ động xin ra khỏi danh sách hộ nghèo…

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thống nhất mức dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 gồm 4 dự án: Giảm nghèo; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; giám sát, đánh giá Chương trình với tổng nguồn vốn thực hiện là 90.260 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu chủ yếu Chương trình đặt ra đến năm 2025:

Về giảm nghèo: Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo tăng 20 - 25%/năm; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật giảm nghèo.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đang học các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60%.

Việc làm bền vững: Tỷ lệ thất nghiệp: <3%; tỷ lệ thiếu việc làm: <1,89%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội: 45%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 35%; tỷ lệ thời gian làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công: 1,4 lần phụ nữ so với nam giới; tỷ lệ người từ 15 - 30 tuổi không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo: <8%; tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi: <8%; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thiếu việc làm: < 1%.

Trợ giúp xã hội: Số người được hỗ trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng: 3,5% dân số; số người được hỗ trợ xã hội đột xuất: 100% người gặp khó khăn; tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội: 10% dân số; tỷ lệ người sử dụng, người nghiện ma túy được quản lý, tiếp cận các dịch vụ về dự phòng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy: 90%.