Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đến ngày 3/7 số ca mắc COVID-19 tại "thủ phủ công nghiệp" này đã là 542 ca, trong đó có quá nửa là công nhân. Các ca dương tính đã lan ra gần 40 nhà máy, xí nghiệp và hàng chục nhà trọ công nhân...
Nếu như trước đây, biện pháp chống dịch phổ biến trong các nhà máy tại Bình Dương là đo thân nhiệt, sát khuẩn, khai báo y tế trước khi vào nhà máy thì nay nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án bố trí chỗ ở và vận động cho công nhân ở lại ngay trong khuôn viên nhà máy.
Tại thị xã Tân Uyên, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam đã vận động gần 500 công nhân ở lại tại nhà máy được hơn 1 tuần nay. Mọi sinh hoạt đều được ban lãnh đạo công ty tạo điều kiện tối đa để công nhân có không gian sống giống như ở nhà của mình.
Công ty trang bị máy lạnh, mua tặng cho mỗi người lao động 1 bộ mùng, mền, chuẩn bị đầy đủ về vậy chất để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người lao động yên tâm ở lại công ty sau giờ làm việc. Các công nhân khi ở lại công ty sẽ được hỗ trợ ăn ở miễn phí.
Hiện, nhiều doanh nghiệp, thậm chí còn đưa ra mức thưởng bằng tiền mặt hậu hĩnh, nếu như công nhân, người lao động đồng ý ở lại nhà máy, xí nghiệp sau giờ tan ca.
Bà Nguyễn Kim Loan - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tỉnh vẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư, doanh nghiệp có đơn hàng nên rất cần duy trì sản xuất để đảm bảo hợp đồng với các đối tác. Vì vậy, các doanh nghiệp luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch và đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện nhiều công ty áp dụng các chính sách và mô hình hay nhằm hỗ trợ người lao động, Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam khu công nghiệp Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Theo chị Quách Tố Nga - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam cho biết, công ty đang tổ chức cho 174 người lao động ăn ở tại cơ sở để đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Về chính sách của công ty, để đảm bảo công nhân yên tâm sản xuất và phòng, chống dịch bệnh, Ban Giám đốc công ty quyết định thưởng 5,5 triệu đồng để khuyến khích cho mỗi người lao động ở lại tham gia sản xuất. Chị Nga cho hay.
Trong khi đó, ông Đặng Tuấn Tú cho hay công ty với hơn 40.000 công nhân lao động, trong đó khoảng 2.000 lao động từ Bình Dương - nơi bùng phát dịch - qua làm việc. Chỉ cần toàn bộ công ty tạm dừng hoạt động trong 20 ngày xem như mất thu hoạch của cả năm, kéo theo chế độ phúc lợi, lương thưởng của công nhân bị cắt giảm theo.
Đặc biệt, hiện nay lượng đơn hàng rất cao, áp lực phải hoàn thành kế hoạch đến cuối năm rất lớn. Do đó, việc đảm bảo an toàn sản xuất là ưu tiên số 1. Công ty đã xây dựng một số phương án dự phòng cho các tình huống xấu có thể xảy ra.
Cụ thể, công ty có mô hình cách ly F1, F2, với mô hình lều bạt như Bắc Giang đã làm. Công ty đã chuẩn bị trang thiết bị, cần thiết là có thể làm liền. Ngoài ra các kế hoạch tăng ca khi một vài chuyền bị đứt gãy cũng đã được tính đến. Ông Tuấn Tú cho hay.
Ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH Bình Dương - cho biết, hiện nhiều công nhân phải ngưng việc để điều trị COVID-19, nhà máy đóng cửa, vì vậy tỉnh đã hỗ trợ công đoàn viên 3 triệu đồng/ca F0, 1,5 triệu đồng/ca F1...
Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp, 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng số hơn 1,2 triệu lao động. Hiện một số nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô dưới 500 công nhân đã có phương án cho công nhân sinh hoạt và làm việc tại nhà máy. Doanh nghiệp tận dụng các khu nhà tập thể hiện có hoặc sử dụng nhà kho, dọn dẹp một phần nhà xưởng, mua thêm lều trại, trang thiết bị và cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện cho công nhân ở lại nơi làm việc. Ông Cường chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Quốc Cường, cách làm này của các doanh nghiệp sẽ giúp người lao động yên tâm hơn, doanh nghiệp giữ được nhịp sản xuất trước tình trạng các khu công nghiệp, nhà máy ở Bình Dương đan xen khu dân cư, nhà trọ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp thực hiện việc này, phải bảo đảm cơ sở vật chất, tiện nghi thiết yếu cho người lao động. Đồng thời, phải đăng ký với chính quyền địa phương về số người lưu trú, dự kiến thời gian lưu trú, bảo đảm về y tế, sức khỏe của người lao động.
PHA LÊ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ