Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giải pháp tháo gỡ khó cho người lao động trong lĩnh vực du lịch

(Dân sinh) - Đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, trong đó, lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề. Để cùng nhau vượt qua đại dịch, cơ quan chức năng cùng nhau bàn giải pháp hỗ trợ khó khăn cho lao động.

Ngành du lịch cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Do hạn chế hoạt động của các hãng hàng không và các đơn vị vận chuyển đường bộ cùng với việc đóng cửa của các điểm tham quan, điểm du lịch nên các công ty lữ hành, các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch bị ảnh hưởng nhiều, rất ít khách đăng ký mua tour, sử dụng các dịch vụ. Các tour khách đã đăng ký phần lớn bị hủy, số ít tour dời thời gian đến khi phù hợp.

Ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Đại dịch Covid-19 có thể xem là thách thức nhưng cũng là một yếu tố để các doanh nghiệp lữ hành xem lại cách thức, phương thức hoạt động của mình. Cần phải giải quyết đồng thời 2 thách thức: Nhân lực du lịch thu hẹp bởi hậu quả của dịch Covid-19 và chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thương mại điện tử. Đây được xem là mấu chốt để giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động phát triển chung với dịch bệnh.

Giải pháp tháo gỡ khó cho người lao động trong lĩnh vực du lịch - Ảnh 1.

Cần phải giải quyết đồng thời 2 thách thức: Nhân lực du lịch thu hẹp bởi hậu quả của dịch Covid-19 và chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thương mại điện tử.

Hiện, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tích cực xây dựng điểm đến an toàn và tham gia chương trình kích cầu du lịch tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối của công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cũng như du khách đến tham quan du lịch tại tỉnh; các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch, điểm dừng chân… kết hợp tổ chức các tuyến, tour du lịch nội tỉnh và liên tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với các điểm tham quan du lịch tâm linh, tín ngưỡng; khuyến khích liên kết mở các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng đến vùng sông nước huyện Cù Lao Dung và cồn Mỹ Phước (Kế Sách), chợ nổi Ngã Năm, biển Mỏ Ó (Trần Đề), biển Vĩnh Châu, làng nghề Phú Tân (Châu Thành)…Đại diện công ty du lịch Minh Châu chia sẻ.

Tuy các công ty du lịch đã có nhiều giải pháp nhằm duy trì ngành du lịch trước khó khăn này nhưng tình hình không mấy khả qua. Ngành du lịch tạm ngừng các tour khiến cho người lao động thời gian quá gặp khá nhiều khó khăn. Anh Trần Ngọc Tuấn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) nhân viên công ty du lịch Ba Miền, cho biết, qua các đợt dịch của năm 2020 và 2021, công việc lúc có lúc không, không đủ trang trải cho cuộc sống  nên anh tạm thời ở nhà phụ giúp gia đình bán tạp hóa và giao hàng cho khách. Hiện, nhiều lao động trong ngành du lịch đã chuyển đổi ngành nghề để vượt qua giai đoạn khó khăn chung này.

Giải pháp tháo gỡ khó cho người lao động trong lĩnh vực du lịch - Ảnh 2.

Hiện, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tích cực xây dựng điểm đến an toàn và tham gia chương trình kích cầu du lịch tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể

Hè năm nay là mùa du lịch thứ 2 chị Nguyễn Thị Thu Tuyết, hướng dẫn viên du lịch không có việc làm. Thất nghiệp vì dịch Covid-19, đầu năm nay, chị Tuyết dùng tiền tích cóp được học nghề, mở tiệm nail (tiệm làm móng) xoay sở mưu sinh. Tuy nhiên, quán chưa được bao lâu thì dịch bùng phát trở lại. Đảm bảo phòng chống dịch, tỉnh yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu. Giờ chị chuyển qua bán hàng ăn vặt mang về, duy trì cuộc sống.

"Chúng tôi mong gói hỗ trợ từ nhà nước sớm được triển khai, như vậy phần nào giúp người lao động trang trải cuộc sống trước mắt. Về lâu dài, cũng mong muốn Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các khu công nghiệp, văn phòng công ty đang hoạt động để có thể giới thiệu công việc cho những người hướng dẫn viên. Hay hỗ trợ những lớp dạy nghề, định hướng nghề miễn phí để giảm thiểu được tình trạng thất nghiệp", chị Tuyết chia sẻ.

Trước tình hình này, ông Phạm Văn Đâu đề nghị, trong giai đoạn này một số doanh nghiệp đã giải quyết cho nhân viên tạm nghỉ chuyển qua làm những việc lao động, kinh doanh khác để mưu sinh, một số doanh nghiệp cũng giữ một phần nhân viên lại để đầu tư hạng mục thêm và chỉnh trang lại cơ sở để chuẩn bị hoạt động trở lại sau khi khống chế được dịch bệnh. Các doanh nghiệp đều ý thức rất tốt trong phòng chống dịch, áp dụng việc phòng ngừa theo hướng dẫn của Bộ Y Tế và địa phương.