Ông Nguyễn Văn Đủ hướng dẫn cách làm việc an toàn cho người lao động
Thực trạng báo động về ATLĐ tại các làng nghề
Làng nghề kim khí xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) chuyên sản xuất các tấm tôn lợp, bản lề, khung nhà xưởng, cuốc, xẻng… thu hút khoảng 5.000 lao động. Thế nhưng, đa phần chủ cơ sở sản xuất, cũng như lao động ở làng nghề này đều chưa có ý thức trong vấn đề bảo đảm ATVSLĐ, dẫn đến TNLĐ xảy ra khá thường xuyên. Trung bình mỗi năm có trên 100 ca TNLĐ ở làng nghề, phổ biến là rách da do tôn cứa, cụt đốt ngón tay…
Tại làng nghề sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội) tập trung hơn 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy hoạch thiếu đồng bộ, chủ yếu mang tính chất tự phát. Nhà xưởng quy mô hộ gia đình xen lẫn trong các khu dân cư tạm bợ, chắp vá. Các điều kiện ATLĐ, thiết bị an toàn PCCC cũng rất sơ sài.
Kết quả khảo sát về ATVSLĐ tại 5 làng nghề của 2 tỉnh Hưng Yên và Phú Thọ do Cục ATLĐ (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cuối năm 2017 cũng cho thấy một thực trạng báo động tại các làng nghề. Đó là môi trường lao động chật hẹp, tình trạng ô nhiễm còn nhiều; người lao động hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện về ATVSLĐ, thiếu kiến thức về lĩnh vực này.
Tại các làng nghề, môi trường sống đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng do các cơ sở sản xuất chưa xử lý được các chất thải rắn, xưởng sản xuất gây tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại…, nhưng vẫn chưa được bố trí khu riêng và trang bị hệ thống chống ồn, giảm bụi để giảm ảnh hưởng.
Ngoài ra, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, máy móc sử dụng trong sản xuất tại các làng nghề phần lớn không bảo đảm an toàn, không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn vận hành thiết bị...; gần 80% các khâu trong dây chuyền người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả; không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và bản thân họ cũng không quan tâm đến việc tự bảo vệ mình... Ông Vũ Như Văn, Phó Chủ tịch Hội ATVSLĐ Việt Nam cho biết, qua khảo sát, điều tra tại các làng nghề, phần lớn lao động trẻ từ 18 - 24 tuổi chưa tham gia lớp tập huấn về bảo đảm ATLĐ; hầu hết kỹ năng nghề là “cha truyền con nối” nên rất bất cập trong quy trình sản xuất, môi trường nơi làm việc. Chính vì vậy, người lao động hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện về ATVSLĐ, thiếu kiến thức về lĩnh vực này.
Các hộ gia đình đã có những cải thiện đáng kể sau khi được tư vấn cải thiện điều kiện an toàn.
Cải thiện môi trường làm việc ở làng nghề: Bắt đầu từ mỗi hộ gia đình
Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐTBXH) cho rằng, Luật ATVSLĐ có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định mở rộng đối tượng bảo đảm ATLĐ khu vực phi chính thức, trong đó có làng nghề.
Về phía người lao động, Nhà nước quy định người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình. Người lao động cũng có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về ATVSLĐ và nội quy lao động của doanh nghiệp (các Điều 133, 136, 137 Bộ luật Lao động 2012, các Điều 6, 7, 12, 18, 21, 23 Luật ATVSLĐ 2015...). Tuy nhiên, vì mưu sinh hoặc do nhận thức chưa đầy đủ mà nhiều người lao động vẫn chủ quan, chấp nhận không có thiết bị bảo hộ và làm việc tại những cơ sở thiếu an toàn.
Bản thân người sử dụng lao động cũng chưa nắm được các quy định về ATLĐ, không đầu tư máy móc, thiết bị có độ an toàn cao. Ông Nguyễn Văn Đủ, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Hòa Phong (huyện Mỹ Hào - tỉnh Hưng Yên) cho biết: Trước đây, thợ làm gỗ thường gặp các vấn đề về sức khỏe như đau lưng, ảnh hưởng do bụi, tiếng ồn… Cơ sở của ông cũng để đồ đạc bừa bãi, dây điện lòng thòng. Vào xưởng, phải nhón chân, tìm chỗ trống để đặt chân, không sẽ dẫm phải đủ thứ dụng cụ, gỗ… Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi ông Đủ được tham gia vào Dự án “An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ” do Cục ATLĐ phối hợp với UBND xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm - Hưng Yên) và UBND xã Hòa Phong (huyện Mỹ Hào - Hưng Yên). “Được tư vấn, tập huấn, hướng dẫn cải thiện điều kiện lao động, tôi đã nhận biết được mối nguy hiểm, có hại và tự đề ra giải pháp phòng ngừa với chi phí thấp nhất đơn giản và hiệu quả. Vừa cải thiện điều kiện làm việc vừa phòng ngừa TNLĐ, BNN”, ông Đủ chia sẻ.
Cũng như gia đình ông Đủ, các gia đình tham gia vào Dự án trên rất tích cực. Đặc biệt, có nhiều hộ không thuộc diện được hỗ trợ nhưng thấy việc làm này thiết thực nên đã xin được tham gia cùng. Qua thời gian triển khai, các hộ gia đình nhận biết được các yếu tố nguy hại và rủi ro tiềm ẩn trong quá trình sản xuất và đã có phương pháp phòng ngừa bằng những cải thiện đáng kể như: có bảng nội quy làm việc và nội quy vận hành máy, thiết bị phù hợp; trang bị tủ thuốc kèm một số loại thuốc thông dụng; trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; Các thiết bị điện đã được nối đất để tránh giật điện, lắp attomat, dán nhãn; Kê lại vị trí máy, bộ phận truyền chuyển động được an toàn hơn…
Từ những cải thiện tích cực của các hộ gia đình khi tham gia Dự án, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, bên cạnh một số giải pháp căn cơ để cải thiện điều kiện làm việc tại các làng nghề như thường xuyên tổ chức tập huấn về ATVSLĐ; đồng thời có chế tài xử lý đủ mạnh đối với các trường hợp vi phạm; kiểm tra ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ trước khi các cơ sở sản xuất hoạt động, sự tham gia vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương... rất cần tuyên truyền để người sử dụng lao động tại các làng nghề nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh tai nạn lao động cho chính bản thân họ và những người lao động.
Ông Thơ cho biết thêm, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là xây dựng tài liệu tập huấn và mở rộng các lớp tập huấn tại các làng nghề. Đồng thời, hướng dẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường lao động, tập trung đảm bảo ATLĐ ở các khâu liên quan đến điện, phòng chống cháy nổ, hóa chất…
Bài và ảnh: Minh Châu/TC GĐ&TE