Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giải quyết cho 2.261 người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đăk Lăk, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 2.395 hồ sơ của người lao động nộp hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm đã hướng dẫn thủ tục và tham mưu cho Sở LĐ-TB&XH ra quyết định cho 2.261 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp hơn 19,88 tỷ đồng. Song song với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.196 người và hỗ trợ học nghề cho 17 người, với số tiền 69 triệu đồng.

 

Ông Hiệp cho biết thêm về một số chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Theo đó, với quy định mới người lao động không cần thực hiện thủ tục đăng ký thất nghiệp mà nộp hồ sơ trực tiếp khi có đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết. Tính từ đầu năm đến nay, số lượng người nộp hồ sơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 2.395 người, tương đương với số lượng của cùng kỳ năm trước. Số lượng người lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn nằm trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung tại doanh nghiệp Cao su, cà phê trên địa bàn tỉnh nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thu hẹp sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó trong năm 2015 do sự suy giảm kinh tế làm một bộ phận các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh có xu hướng cắt giảm mạnh nhân sự, tinh giảm biên chế nên số lượng người thất nghiệp tăng mạnh.

Số người lao động ở ngoại tỉnh chuyển về nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 1.022 người, số lao động này chủ yếu là người địa phương đi làm việc ở các tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Nguyên nhân mất việc một phần vì nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, phần khác vì người lao động có xu hướng trở về địa phương sinh sống hoặc đã tự tạo được việc làm.

Người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và được tư vấn giới thiệu việc làm tại Phiên giao dịch việc làm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lăk. 

 

Số lượng người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.261 người. Trong đó số lượng người thất nghiệp ở nhóm tuổi từ 25 đến 40 tuổi chiếm một tỷ lệ lớn (1.375 người) chiếm 60,81% trên tổng số người được hưởng.

Ngoài việc thực hiện chi trả chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo đúng quy định, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đăk Lăk cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động thất nghiệp. Từ đầu năm đến nay đã có 2.196 người được tư vấn trên tổng số 2.395 người đến nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên  vì nhiều lý do khác nhau nên số lượng người lao động tìm được việc làm mới sau khi thất nghiệp còn thấp.

Đối với Công tác hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp, sau khi Chính phủ có Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 quy định nâng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp, Trung tâm đã tập trung đẩy mạnh việc liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhằm giúp cho người lao động có những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Kết quả từ đầu năm đến nay có 17 người đã được hỗ trợ học nghề, số lượng tuy không nhiều tuy nhiên cũng đã cho thấy phần nào người lao động đã có sự quan tâm nhiều hơn đến chính sách hỗ trợ này.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiệp, quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm cũng còn một số mặt hạn chế. Đó là, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được thực hiện ngay khi người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc lựa chọn việc làm nhưng số lượng người có việc làm mới còn hạn chế (37/2.196). Nguyên nhân là phần lớn do nhu cầu đăng ký tuyển dụng của các doanh nghiệp tại Trung tâm không phong phú, chưa thực sự thu hút người lao động. Một phần khác vì tâm lý người lao động chỉ muốn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp trước mà chưa thực sự quan tâm tới việc tìm kiếm việc làm mới.

          Công tác đào tạo nghề người thất nghiệp, trong thời gian qua Trung tâm đã liên kết với một số cơ sở đào tạo nghề tuy nhiên danh mục các ngành nghề đào tạo còn hạn chế và chưa hấp dẫn người lao động. Do địa bàn rộng lớn, địa điểm tiếp nhận lại ít nên người lao động ở vùng sâu, vùng xa (có nơi cách Trung tâm gần 200 km) khi bị mất việc làm rất khó khăn trong việc đi lại để làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. 

            Vì vậy, theo ông Hiệp, để thực hiện tốt hơn nữa chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn, trong thời gian tới Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động nắm bắt, thực hiện kịp thời. Tăng cường khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường lao động, các cơ sở đào tạo và ngành nghề đào tạo nhằm tư vấn, giới thiệu cho người thất nghiệp lựa chọn việc làm, học nghề.

Đề xuất Cục Việc làm trong thời gian tới cho mở thêm chi nhánh, văn phòng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại các huyện vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người lao động khi hưởng chế độ.