Chiều 15/12, Giám đốc Quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) - Tiến sĩ Eric Dziuban đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về hợp tác y tế Việt – Mỹ và các mốc quan trọng trong hợp tác y tế song phương năm 2023.
Tại buổi gặp, Tiến sĩ Dziuban đã liệt kê 3 trọng tâm trong hợp tác y tế Việt - Mỹ vào năm 2023. Một trong 3 trọng tâm đó sẽ là hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng mô hình CDC Trung ương.
Trước đó, vào năm 2021, Bộ Y tế Việt Nam đã thông báo kế hoạch thành lập hai CDC Trung ương tại miền Bắc và miền Nam.
“Đây là ví dụ cho thấy Việt Nam cần đầu tư vào thể chế của chính mình, thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với một đại dịch Covid-19 hoặc tình trạng khẩn cấp tiếp theo” - ông Dziuban nói.
Ông Dziuban cũng nhấn mạnh mô hình CDC của mỗi quốc gia sẽ không giống nhau mà cần đáp ứng nhu cầu cụ thể ở mỗi nước. Vị giám đốc CDC Mỹ khẳng định sẽ hợp tác với cơ quan chức năng “trong nhiều tháng năm sắp tới” để đảm bảo mô hình CDC Trung ương của Việt Nam được thành công ngay từ đầu.
Trước câu hỏi của phóng viên về tình hình số người bệnh lao tại Việt Nam vẫn có xu hướng gia tăng khiến Việt Nam đứng thứ 11 trên tổng số 30 quốc gia mắc bệnh lao lớn nhất thế giới, đại diện CDC Mỹ tại Việt Nam khẳng định, đây cũng là ưu tiên thứ hai của CDC Mỹ trong năm 2023.
Mỹ sẽ tập trung hỗ trợ chương trình chống bệnh lao ở Việt Nam, đặc biệt là phòng chống cho trẻ em. Ông khẳng định CDC Mỹ sẽ tham gia nỗ lực phòng chống bệnh lao do Chương trình Chống lao quốc gia của Việt Nam dẫn dắt.
“Độ phủ của các biện pháp chữa trị lao cho trẻ em còn thấp hơn người lớn. Là bác sĩ nhi khoa, tôi rất đau lòng khi biết vẫn còn các em nhỏ ở Việt Nam có thể tử vong vì lao” - ông bày tỏ.
Cuối cùng, về trọng tâm thứ ba, ông cho biết CDC Mỹ sẽ quan sát tình hình HIV ở Việt Nam, từ đó có biện pháp hỗ trợ ngăn chặn trước khi số ca nhiễm mới tăng cao, theo ông Dziuban.
Theo đại diện CDC, cơ quan này cũng sẽ phối hợp với Việt Nam để đẩy độ phủ tiêm chủng định kỳ trước các loại bệnh như sởi và bại liệt cao trở lại, sau thời gian gián đoạn vì COVID-19.
Cũng trong buổi phỏng vấn chiều 15/12, Tiến sĩ Dziuban cho biết một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Mỹ trong 27 năm qua là phúc lợi và sức khỏe.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam đã gửi tặng Mỹ các trang thiết bị bảo hộ các nhân mà lúc đó phía Mỹ thực sự rất cần. Sau đó, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 40 triệu liều vaccine COVID-19 và hỗ trợ kỹ thuật hơn 40 triệu USD để giúp Việt Nam phòng chống đại dịch.
Đánh giá về tình hình COVID-19 ở Việt Nam, Tiến sĩ Dziuban lưu ý rằng dù mọi người nói nhiều đến hậu COVID-19, song thực tế là COVID-19 vẫn hiện diện ở đây. Vẫn có những người bị nhiễm, có những người phải nhập viện và tử vong vì COVID-19.
Việt Nam rất nỗ lực để xử lý đại dịch. Đã có nhiều biện pháp được áp dụng và bây giờ tình hình Việt Nam tốt hơn nhiều: Hiện nay 95% dân số đã được tiêm phòng vaccine và số người nhiễm nặng rất ít.
Để kiểm soát COVID-19 tốt hơn trong năm 2023, Tiến sĩ Dziuban cho rằng cần tập trung 2 việc: Thứ nhất, tiếp tục tiêm phòng vaccine, tiêm liều tăng cường để duy trì miễn dịch. Thứ hai, giám sát chặt với các chủng mới, bởi virus này đột biến nhiều.
Với các dịch bệnh khác xảy ra ở Việt Nam gần đây như cúm A, B, sốt xuất huyết..., Tiến sĩ Dziuban cho biết CDC Mỹ vẫn hỗ trợ Việt Nam để làm sao có nền tảng ứng phó với tất cả dịch bệnh chứ không chỉ riêng COVID-19.
Bàn luận về vấn đề thiếu nhân lực trong ngành y tế, Tiến sĩ Dziuban cho rằng đó là vấn đề ở Việt Nam và nhiều quốc gia nữa. Mỹ sẽ giúp Việt Nam đào tạo nhân sự y tế, từ các chương trình đào tạo lồng ghép cho nhân viên y tế Việt Nam đến đào tạo nhân viên y tế chẩn đoán phòng thí nghiệm, gia tăng khả năng phát hiện ổ dịch mới, bệnh mới, nguyên nhân mới.