Ông Đức cho biết: "Mấy ngày vừa qua, Sở đã chỉ đạo lực lượng cán bộ rà soát lại toàn bộ các quy trình. Về kết quả điểm thi cao nổi bật so với các năm trước là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô, các em học sinh và ngành giáo dục tỉnh nhà. Để đạt được kết quả như trên, bản thân tôi cũng rất vui mừng".
Ông Đức cho biết, sau khi được anh em báo cáo lên thì những em có điểm thi cao vừa rồi đều có học lực khá.
Khi được hỏi, có hay không con lãnh đạo tỉnh nhà trong số thí sinh có điểm cao vừa rồi ông Đức cho hay bản thân không nắm bắt được.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, chiều nay có một đoàn công tác của Bộ GD-ĐT sẽ lên làm việc với Sở. Sau đó sẽ có thông tin cụ thể.
Trước đó, theo phân tích dữ liệu điểm thi của một số nơi, số lượng điểm 9 môn Toán, Lý ở Sơn La nhiều bất thường nếu so sánh tương quan giữa số lượng thí sinh của địa phương này với cả nước và một số địa phương khác.
Sơn La là địa phương trong nhóm cuối về điểm trung bình thi THPT quốc gia 2018.
Trong khi đó, điểm giỏi môn Toán và Lý của địa phương này lại khá cao, thậm chí gấp nhiều lần TP.HCM.
Đối với môn Toán, Sơn La có 30 thí sinh được điểm từ 9 trở lên chiếm 0,29% trong tổng số 10.252 thí sinh dự thi và vượt trội hơn nhiều địa phương khác.
Sơn La ít hơn TP.HCM 7,5 lần số thí sinh dự thi môn Toán, trong khi đó số thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên lại xấp xỉ số thí sinh TP.HCM đạt được.
TP.HCM có 78.252 thí sinh dự thi môn Toán nhưng chỉ có 32 thí sinh được điểm từ 9 trở lên, trong khi đó Sơn La chỉ có 10.252 thí sinh dự thi môn Toán nhưng có tới 30 thí sinh được điểm Toán từ 9.
Theo phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia), đúng là có sự khác biệt trong điểm thi của thí sinh Sơn La.
Phân bố điểm thi môn toán, lí, hóa, và sinh cho cả nước (màu xanh) và Sơn La (màu hồng) (Ảnh: GS Tuấn cung cấp) - hình 1
GS Tuấn cho rằng, điểm thi trung bình của tất cả các môn học của các thí sinh Sơn La đều thấp hơn điểm trung bình của cả nước. Nhưng sự khác biệt không đồng đều giữa các môn học. Cụ thể, thí sinh Sơn La có điểm thi môn Toán là 3.2, thấp hơn trung bình cả nước (5.0) đến 6.2 độ lệch chuẩn. Môn Lý và Văn cũng có sự khác biệt khá lớn (xấp xỉ 4 độ lệch chuẩn). Tuy nhiên, đối với môn Sinh, thú vị thay sự khác biệt chỉ gần 1 độ lệch chuẩn, tức khá thấp (Bảng 1).
Ngoài ra, một điểm khác cũng đáng chú ý là chỉ số dao động (phản ảnh qua hệ số biến thiên) ở Sơn La cũng cao hơn so với toàn quốc. Chẳng hạn như độ khác biệt giữa các thí sinh Sơn La về môn toán lên đến 38%, trong khi đó hệ số này của cả nước là 29%. Tương tự, độ khác biệt về điểm thi môn Lí cũng khá cao (40% ở Sơn La và 31% toàn quốc). Hệ số biến thiên cao có thể phản ảnh sự phân bố điểm thi ở Sơn La không đồng đều.
Đoàn công tác làm việc tại Sở GD-ĐT Sơn La chiều 19/7. Ảnh: Đoàn Bổng
Chiều 18/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 vừa quyết định thành lập tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại tỉnh Sơn La và Lạng Sơn.
Chiều 19/7, tổ công tác đã có mặt tại Sở GD-ĐT Sơn La và tiến hành làm việc.
Chia sẻ với VietNamNet, một số học sinh tại Sơn La khá bức xúc trước điểm số của nhiều bạn cùng trường cao bất thường. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng các học sinh chuyên khối khoa học xã hội lại có điểm thi các môn toán hay các môn của tổ hợp khoa học tự nhiên rất cao.
Có học sinh phản ánh, Trường THPT Chuyên Sơn La nhiều năm có các thí sinh đạt điểm cao, là thủ khoa các trường trên cả nước. Nhưng chưa bao giờ những thí sinh đạt điểm chót vót các môn khoa học tự nhiên lại là học sinh ở các lớp chuyên xã hội nhiều như năm nay, và còn cao hơn các bạn học chính những môn chuyên đó.
Chẳng hạn, có những bạn từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn chuyên, nhiều bạn đạt giải cấp tỉnh mà điểm thi THPT quốc gia của các môn đó cao nhất cũng chỉ đạt hơn 8 điểm.