Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giảm gánh nặng bệnh tật cho người dân nghèo

(Dân sinh) - Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác phòng chống, nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.

Hiệu quả từ một dự án

12 tuổi, nhưng Rmah HLia, dân tộc Jarrai, ở thôn Buôn Dang, xã EA’HLeo, huyện EA’HLeo, tỉnh Đắk Lắk đã phải nghỉ học từ 3 năm trước vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố em sinh năm 1980, nhưng đã mất vì bệnh Lao cách đây 3 năm. Mẹ em - người phụ nữ 46 tuổi phải một mình gánh vác, nuôi 7 đứa con, nên chị em của Rmah HLia đứa thì chưa từng đến trường, còn lại thì chỉ học đến lớp 3, lớp 4, lớp 5 thì nghỉ, ở nhà làm nương rẫy và đi làm mướn xa nhà để phụ giúp kinh tế gia đình. Hiện trong số chị em của Rmah HLia chỉ còn 1 đứa đang theo học lớp 4. Mới đây, được cán bộ y tế xã thông báo có buổi khám sàng lọc lao miễn phí, mẹ con em đã gác lại công việc nương rẫy, đến Nhà văn hóa Cộng đồng buôn Trang của xã để khám sàng lọc Lao miễn phí.

“Chồng mình ho lao, đi điều trị nhưng do hút thuốc, uống rượu lại nên đau lại, mất 3 năm rồi. Mình không đi khám, không có tiền, nhà khó khăn quá. Hôm nay nhờ có chương trình sàng lọc miễn phí mình và các con đều đi từ sớm để khám. Bệnh này nếu được phát hiện sớm và điều trị là sẽ khỏi và đi làm như thường. Trong xã có rất nhiều người điều trị Lao khỏe rồi”, chị Rmah H’ Phiar - mẹ Rmah HLia chia sẻ.

 Thăm khám sàng lọc lao tại xã EA’HLeo, huyện EA’HLeo, tỉnh Đắk Lắk

Thăm khám sàng lọc lao tại xã EA’HLeo, huyện EA’HLeo, tỉnh Đắk Lắk

Tương tự cũng nhờ có chương trình khám sàng lọc miễn phí, bà N.T.H trú tại Buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột khi được tin Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk tổ chức khám sàng lọc bệnh lao và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính miễn phí ngay tại Trạm y tế địa phương bà đã đăng ký đi khám sàng lọc.  Sau khi thăm khám, tư vấn, soi đờm, chụp X quang phổi bác sĩ kết luận bà bị bệnh lao phổi kèm đái tháo đường. “ Gia đình không có điều kiện nên không mấy khi đi khám sức khỏe định kỳ. Cũng may nhờ có chương trình khám sàng lọc miễn phí tôi mới biết mắc bệnh và kịp thời điều trị. Tôi không đi đâu và không nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh Lao vậy mà lại bị”, bà H giãi bày.

Đẩy mạnh sàng lọc tại cộng đồng 

Khám sàng lọc Lao tại cộng đồng miễn phí là chương trình phối hợp giữa Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp với Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk

Tại Đắk Lắk theo thống kê của Bệnh viện Phổi tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, tổng số bệnh nhân lao được phát hiện 766 trường hợp, 471 bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn trong đó tỷ lệ điều trị khỏi đạt 93,7%, số bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện là 22 trường hợp, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao kháng thuốc đạt trên 80%, có 47% bệnh nhân điều trị được xét nghiệm HIV.

Empty

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, để loại trừ hoàn toàn bệnh lao ra khỏi cộng đồng vẫn là một thách thức rất lớn, bởi số bệnh nhân tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện còn khá cao. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng kỳ thị với người bệnh lao; thời gian điều trị bệnh lao kéo dài; khả năng tiếp cận của người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn... là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống bệnh lao.

Theo Bác sỹ, thầy thuốc nhân dân Châu Đương- Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ mắc bệnh lao toàn tỉnh vẫn ở mức 170 người/100.000 dân; còn nhiều bệnh nhân lao mắc bệnh ở cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị kịp thời. Trước đây, do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên không thể tổ chức khám sàng lọc chủ động để tầm soát, phát hiện bệnh lao trong cộng đồng, chủ yếu là khám sàng lọc thụ động do người dân tới cơ sở y tế khám. Chính vì vậy, sự phối hợp hỗ trợ từ dự án rất có ý nghĩa theo đó, sẽ có hơn 2.700 người dân ở 6 xã vùng sâu của huyện Ea H’leo được khám sàng lọc miễn phí.

Cũng theo Bác sỹ Châu Đương, hiện nay, bệnh Lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Đáng lo ngại có nhiều nguy cơ lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay. Bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội. “Thông thường, một trường hợp xét nghiệm, chụp X-quang phổi để tầm soát bệnh lao sẽ có chi phí khoảng 2,5 triệu đồng. Việc miễn phí xét nghiệm và điều trị có ý nghĩa to lớn đối với người dân nhất là người có hoàn cảnh khó khăn”, Bác sỹ Châu Đương khẳng định.