Chiều tối ngày 21/7, tại Hà Nội, ngay sau phiên họp toàn thể của Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới dự.
Tại Phiên họp này, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban đã tiến hành Thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình
Về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các thành viên Ủy ban phát huy trí tuệ tập thể, kế thừa kết quả thẩm tra sơ bộ của Ủy ban về các vấn đề Xã hội Khóa XIV, tích cực thảo luận nhằm xây dựng báo cáo thẩm tra chất lượng cao nhất.
"Đây là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương này, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 06 ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030", ông Trần Thanh Mẫn nói.
Thẩm tra tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ủy ban cho rằng tên gọi của Chương trình bảo đảm thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030, và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì 03 Chương trình phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động có thể trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Ngoài ra, một số thành viên Ủy ban cũng cho rằng Chính phủ cân đối nguồn lực để đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình khi trình Quốc hội cho ý kiến. Căn cứ vào nguồn vốn đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn lực vốn phân bổ vốn cho các dự án thành phần phù hợp.
Người dân rất dễ tái nghèo
Giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, các kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Về thành tựu trong công tác giảm nghèo của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới, theo Bộ trưởng, đây là điều đáng tự hào, đời sống nhân dân nâng lên, và mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng ngân sách đầu tư 21% cho an sinh xã hội, "cao nhất trong ASEAN".
Nhìn nhận, công tác giảm nghèo bền vững chặng đường tới còn nhiều khó khăn thách thức, Bộ trưởng cho biết, Quốc hội quyết định thêm một chương trình mục tiêu thứ 3 tách ra từ chương trình giảm nghèo bền vững này. Về bản chất, Chương trình mục tiêu thứ 3 tách ra một phần đối tượng từ Chương trình giảm nghèo bền vững.
Về đối tượng, địa bàn, theo lãnh đạo Bộ, gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn. Những trường hợp mới thoát nghèo vẫn phải có tác động, tạo sự bền vững, vì theo ông Đào Ngọc Dung, việc tái nghèo rất nhanh, chỉ cần một cơn bão lũ, hay tác động của Covid-19, người dân rất dễ tái nghèo.
Còn chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, miền núi thì chỉ tập trung vào lõi nghèo, xã, thôn, bản nghèo.
Do đó, trước các ý kiến băn khoăn đề nghị rà soát, xác định rõ việc một số dự án, tiểu dự án có nội dung gần tương đồng nhau của 3 Chương trình, Bộ trưởng nêu rõ, "giai đoạn này 3 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ chạy song song, nhưng chủ yếu ở ba địa bàn khác nhau và 3 đối tượng khác nhau".
Thứ nữa, về việc sửa đổi tên gọi ngắn gọn hơn của Chương trình, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong Nghị quyết 13 nói rõ định hướng trong 10 năm tới (2020- 2030), và đi liền với Tuyên bố của Liên Hợp quốc về giảm nghèo bền vững, thì mục tiêu chúng ta phải đạt được 3 mục tiêu: Vừa đa chiều, vừa bao trùm vừa bền vững.
"Nhưng cái đích cuối cùng vẫn là đạt sự "bền vững", vì thế tiếp thu, thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 58, Chương trình được đổi tên thành "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025" – Tên gọi súc tích hơn, gọn hơn, nhưng trong nội hàm bao trùm cả đa chiều, và bao trùm", ông Dung nhấn mạnh.
Rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay
Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong điều kiện mới là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
"Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng", Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều ,bao trùm, bền vững, hạn chế tái và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Đi liền đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Chương trình cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến sâu sắc, tâm huyết của thành viên Ủy ban. Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, Ủy ban Xã hội sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra; đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cùng các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội nội dung này dự kiến vào ngày 23/7 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1%- 1,5%/ năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4%- 5%/ năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3% theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.
Phấn đấu giảm 1/ 2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn…
Phấn đấu tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp đạt 100%.
Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.