Được biết, năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo T.Ư các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình được kiện toàn, hoạt động ổn định, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. UBND các cấp, sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành văn bản quản lý, điều hành, làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện chương trình đảm bảo quy định.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu nhấn mạnh trọng tâm của buổi làm việc
Theo báo cáo, từ đầu giai đoạn đến nay, tỉnh Hòa Bình cơ bản đã bám sát các quy định, văn bản hướng dẫn của T.Ư và có cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp trong tổ chức thực hiện. Trong tổng nguồn vốn giai đoạn 2021-2023 trên 447,2 tỷ đồng, tổng nguồn vốn năm 2023 là 326,67 tỷ đồng, đến trung tuần tháng 12/2023, tổng kinh phí giải ngân trên địa bàn tỉnh trên 184,3 tỷ đồng (thấp hơn so với mặt bằng chung toàn quốc). Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,09%, còn 9,2% cuối năm 2023, đạt 123,6% kế hoạch giao; tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đà Bắc giảm 9,17%, còn 25,77%, đạt 146,72% kế hoạch giao. Các dự án, tiểu dự án, hoạt động của chương trình được triển khai tích cực.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh và Đoàn công tác giám sát kiểm tra thực tế ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình
Tại buổi làm việc, đại diện UBND các huyện, thành phố đã thông tin, chia sẻ về kết quả, những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2023.
Sau khi nghe báo báo thực tế, Thứ Trưởng Lê Văn Thanh đã ghi nhận những cố gắng của tỉnh trong việc triển khai, thực hiện chương trình, đặc biệt đã tác động đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời Thứ Trưởng Lê Văn Thanh đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các tiểu dự án có tỷ lệ giải ngân thấp. Các đề xuất, kiến nghị của tỉnh về việc sớm ban hành hướng dẫn thế nào là người lao động có thu nhập thấp; điều chỉnh mở rộng cho đối tượng trên độ tuổi lao động, có sức khỏe, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo; T.Ư ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện một số tiểu dự án, dự án để đảm bảo kế hoạch đưa huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn… cũng được đoàn ghi nhận, gửi đến Chính phủ và trình Quốc hội.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tiếp thu các ý kiến và những định hướng gợi mở của đoàn giám sát để tới đây vận dụng vào việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình tại tỉnh. Đối với các công trình, dự án đã hoàn thành, tỉnh sẽ khẩn trương hoàn công, hoàn thiện hồ sơ thanh toán đảm bảo kịp thời về tiến độ giải ngân. Nội dung kết luận của đoàn giám sát sẽ được báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, đề xuất họp Ban chỉ đạo trong thời gian tới nhằm phân công nhiệm vụ thực hiện, khắc phục những vướng mắc trong chỉ đạo, thực hiện chương trình.
Chiều cùng ngày, đoàn giám sát của Bộ LĐ-TB&XH tiến hành giám sát, đánh giá kết quả thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2023 tại huyện Đà Bắc; kiểm tra thực tế một số mô hình sinh kế tại xóm Mít, xã Tân Minh; công trình đầu tư tuyến đường cải tạo, sửa chữa đường huyện ĐH34 từ ngã ba Ênh, xã Tân Minh đến xã Yên Hoà; công trình cầu và đường vào Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Tân Minh.