Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giãn cách xã hội giúp kiểm soát và khống chế dịch bệnh

(Dân sinh) - Tại cuộc họp ngày 14/6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: Giãn cách xã hội giúp kiểm soát và khống chế sự lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19.

Tại cuộc họp giữa Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM với sở, ngành, quận huyện và TP Thủ Đức diễn ra ngày 14/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá việc triển khai giãn cách xã hội trên địa bàn TP theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc tại (quận 12) những ngày qua đạt một số kết quả, các chuỗi lây nhiễm được phát hiện đã cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, vẫn tiếp tục xuất hiện những điểm dịch mới trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, khiến việc phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn. Do đó, Bí thư đồng ý với đề xuất của Sở Y tế cần kéo dài thời gian giãn cách nhằm kiểm soát dịch. Tại những nơi dịch còn phức tạp, cần áp dụng yêu cầu cao hơn.

Giãn cách xã hội giúp kiểm soát và khống chế dịch bệnh - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (Ảnh: TTBC).

Đồng thời, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị cần phối hợp tốt hơn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định phòng dịch. Nơi nào do lỗi chủ quan, lơ là để dịch bệnh lây lan trên địa bàn cần phải xử lý nghiêm.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: sự xuất hiện liên tiếp các chuỗi lây nhiễm trong TP trong khoảng giữa tháng 5 đến nay cho thấy nhiều khả năng dịch xâm nhập vào TP vào đầu tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và đã lây lan âm thầm ít nhất 2 - 3 thế hệ.

Theo ông Bỉnh, tổng số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng từ 18/5 - 13/6 là 821 ca tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đặc điểm lớn nhất của đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh, lan tỏa rất nhanh và rộng. Các ổ dịch cộng đồng lớn ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận, huyện vùng ven. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Giãn cách xã hội giúp kiểm soát và khống chế dịch bệnh - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi họp ngày 14/6.

Đáng chú ý, đến nay đã có 5 bệnh viện ghi nhận nhân viên y tế mắc bệnh gồm Bệnh viện quận Tân Phú (5 người), Bệnh viện tư nhân Nam Sài Gòn (1 người), Bệnh viện Nhi đồng 1 (1 người), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (53 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (2 người).

Ông Bỉnh cũng cho biết, trong những ngày tới, giải pháp trọng tâm của TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch đối với các ổ dịch đang có dấu hiệu lây lan. Đặc biệt, tập trung kiểm soát lây nhiễm trong các bệnh viện và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo các nội dung của chỉ thị 15 kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Thời gian giãn cách tiếp theo theo kiến nghị của ông Bỉnh là 14 ngày kể từ ngày mai (15/6).

Giãn cách xã hội giúp kiểm soát và khống chế dịch bệnh - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tại buổi họp ngày 14/6.

Lý do đề xuất tiếp tục giãn cách, ông Bỉnh phân tích, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan. Thời gian đề xuất kéo dài 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Ông Bỉnh dẫn chứng, thời gian qua, việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn TP theo Chỉ thị 15, đặc biệt tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng theo Chỉ thị 16 và phong tỏa những khu vực ổ dịch, đến nay, các ổ dịch lớn trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) đã được kiểm soát, khống chế sự lây nhiễm.

Cũng theo ông Bỉnh, trong giai đoạn giãn cách xã hội, việc tiếp xúc trực tiếp đã được hạn chế đến mức thấp nên các ca bệnh hầu như chỉ lây lan do sự tiếp xúc của những người trong cùng gia đình. Đó chính là lợi điểm của giãn cách xã hội trong phòng chống dịch.