Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giảng viên muốn dạy tiếng Anh miễn phí cho 500.000 người

Giúp đỡ nửa triệu bạn trẻ giao tiếp tiếng Anh tự tin trong vòng 4 -6 tháng, với “học phí 0 đồng”, là mục tiêu của chuỗi lớp học cộng đồng do thầy giáo sinh năm 1990 sáng lập.

 

Năm 2012, thầy giáo trẻ Nguyễn Tự Sánh (sinh năm 1990) mở trung tâm dạy tiếng Anh PEC (Perfect English Classes) tại Hà Nội với mức học phí thấp (900 nghìn đồng/khóa)  nhằm áp dụng kiến thức du học ở Ý trước đây và kinh nghiệm từ quá trình giảng dạy tại Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội để giúp đỡ các bạn trẻ Việt học tiếng Anh.

 

"Thầy giáo 0 đồng" Nguyễn Tự Sánh.

 Nhưng khi PEC hoạt động, chứng kiến nhiều sinh viên ham học nhưng có hoàn cảnh khó khăn, anh đã thay đổi suy nghĩ: "Tại sao không tạo ra những lớp cộng đồng, rẻ gấp nhiều lần mà cơ sở vật chất đầy đủ để giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn?".

Với ý tưởng này, anh và những người đồng hành đã khởi xướng dự án "Lớp học vì cộng đồng”. Trung tâm PEC được chuyển thành chuỗi lớp học cộng đồng với mục tiêu giúp đỡ 500.000 bạn ham học tiếng Anh có thể giao tiếp tiếng Anh trôi chảy trong vòng 4 - 6 tháng với mức học phí là “0 đồng”.

Học viên chỉ phải đóng phí duy trì 370.000 VND/khóa học 2 tháng (16 buổi) nhằm hỗ trợ giáo viên và trợ giảng, mua giáo trình, thuê phòng học, điện nước…

Đội ngũ giảng dạy tại PEC gồm các thầy cô có kinh nghiệm tại các trung tâm tiếng Anh lớn, sinh viên đạt điểm IELTS từ 7.5 trở lên tại các trường đại học chuyên ngữ. Có những tình nguyện viên nước ngoài tới tham gia giảng dạy một số lớp. Tất cả đều giảng dạy vì cộng đồng, không nhận thù lao.

 

Lớp học 0 đồng của thầy Nguyễn Tự Sánh.

Mỗi khóa học tại PEC thường tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao kỹ năng viết và nói tiếng Anh như: thi ảnh/video để giữ kỷ niệm về lớp học, cuộc thi “English Speaking Contest”…

Tự mình gánh vác

Để gây dựng được chuỗi lớp học cộng đồng, thầy Sánh đã trải qua nhiều khó khăn. Anh cho biết, rào cản lớn nhất là không nhận được sự ủng hộ của mọi người, sau đó là khó khăn về tài chính và nhân sự.

Chị Nguyệt, một cộng sự của thầy Sánh chia sẻ: “Mình là bạn thân của Sánh, khi nghe dự án “Lớp học 0 đồng” mình là người phản đối đầu tiên, nhưng Sánh vẫn quyết tâm. Mình biết khoản chi phí đầu tư vào dự án là do một mình Sánh đứng ra gánh vác”.

Tìm địa điểm lớp học là công việc khó khăn nhất, cho tới nay vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn. Thầy Sánh chia sẻ: “Ở Hà Nội mọi thứ đều đắt đỏ, nhất là giá nhà cho thuê. Mỗi địa điểm thuê có giá khác nhau, mình và các tình nguyện viên phải tìm những địa điểm vừa đẹp lại hợp với mức phí cho phép trong khả năng để thuê”. Mặc dù vậy, anh cho biết nhiều khi vẫn phải đi vay thêm để trang trải cho các lớp học.

Với sự quyết tâm, Sánh thuyết phục được nhiều người tham gia giảng dạy. Hiện PEC có 11 thầy cô giảng dạy vì cộng đồng, thu hút hàng chục trợ giảng lên lớp cùng học với các học viên. Chuỗi lớp học cộng đồng PEC bước đầu đạt thành công. PEC đã có 5 thế hệ học viên, với số lượng 1000 người. Học viên không chỉ là học sinh, sinh viên mà có cả những người cao tuổi.

Bác Vũ Xuyên (65 tuổi, lớp Phát âm  K52 và Giao tiếp K65) cho biết: “Tôi là cán bộ về hưu. Tôi biết tới PEC nhờ đứa cháu nội. Tôi rất thích môi trường trẻ trung, năng động ở đây. Trong quá trình học tập ở PEC, thầy cô đã giúp tôi phát âm tiếng Anh chuẩn và tốt”.

 

Ngoài học tiếng Anh, thầy Sánh còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho lớp


Khi được hỏi còn sợ thất bại không, thầy Sánh tâm sự: “Đến giờ còn sợ gì thất bại nữa. Mình không sợ vì đang đi tìm hướng đi đúng đắn nhằm phục vụ cộng đồng và giới trẻ”.

 “Tham lam” vì cộng đồng

Tiếp xúc với Nguyễn Tự Sánh mới thấy được sự tâm huyết của anh dành cho dự án và nghề dạy học. Anh cho biết, luôn cố gắng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để sinh viên có thể tiếp thu kiến thức nhanh nhất.

Anh tự nhận là người tham lam, muốn đem đến cho các bạn trẻ nhiều điều bổ ích, thú vị không chỉ với tiếng Anh mà còn nhiều ngôn ngữ khác. Vì vậy, thời gian này anh dự định khai giảng thêm các khóa học tiếng Trung với mức học phí 0 đồng.

Ngoài ra, anh còn  tổ chức dự án “Trẻ em tự kỉ” ở trường Lâm Nhi (Ba Đình, Hà Nội), thu hút 30 tình nguyện viên tham gia. Sắp tới, anh tổ chức  thêm dự án “ Trẻ em nghèo và chất độc màu da cam” chùa Tứ Kì (Hoàng Mai, Hà Nội) thu hút 100 sinh viên từ các trường khác nhau.

Trong những dự án này, tình nguyện viên của PEC sẽ chăm sóc đặc biệt các trẻ em khiếm khuyết, đồng thời hướng các em tới một môi trường học tập mang tính hòa nhập cộng đồng.