Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giáo dục mầm non có những lỗ hổng lớn

 
Trẻ bị bạo hành sẽ khó quên được những ám ảnh đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Ảnh: KT
 
Bạo hành ở các trường MN phổ biến hơn chúng ta tưởng
 
Cứ mỗi khi trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh (clip, loạt ảnh) về sự bạo hành ở các cơ sở MN (thường là dân lập, tư thục), là dư luận lại bùng lên giận dữ. Các cơ quan chức năng thường xử lý khá nhanh chóng và nghiêm khắc như: Đuổi việc những người có hành động bạo hành, thậm chí đưa họ ra tòa; Đóng cửa các cơ sở để diễn ra vụ việc. Tuy nhiên, dẹp được chỗ này, lại xảy ra ở chỗ khác. Điều này nói lên rằng, bạo hành ở các cơ sở MN diễn ra khá phổ biến.
 
Sau khi xem đi xem lại clip các cô giáo ở cơ sở MN Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hành hạ học sinh, một nữ tiến sĩ tâm lý (có con 3 tuổi, học mẫu giáo nói: “Chuyện các cô giáo hành hạ học sinh ở các cơ sở MN diễn ra khá phổ biến, chỉ có điều chúng ta không biết được mà thôi. Vì sao chúng ta không biết? Vì các cô giáo đánh rất có “nghề”, nghĩa là họ đánh học sinh nhưng không để lại dấu vết. Những ngón đòn họ thường sử dụng có nhiều như dùng nắm đấm cốc vào đầu, véo vào lòng bàn tay, bàn chân… Hai cô giáo ở cơ sở Sen Vàng đã sử dụng những ngón “nghề đó”: đánh dép nhựa (vật mềm) vào đầu, thúc đầu gối vào bụng học sinh. Những ngón đòn này khiến các cháu khiếp sợ nhưng không hề để lại dấu vết… Do đó, khi thấy con, cháu sợ đi học, gần như chắc chắn ở trường chúng đã bị đánh”.
 
Vị tiến sĩ này cũng cho rằng, những biện pháp các cô dùng để đánh trẻ có vẻ rất tàn bạo nhưng có lẽ các cô không hề ác. Mục đích của họ không nhằm gây tổn thương cho trẻ, mà chỉ dọa để trẻ sợ, trẻ nghe lời: ăn nhanh, không được khóc, không tè dầm, ị phải đúng giờ… Chuyện các cô đánh trẻ là bất đắc dĩ và cũng có thể hiểu được. Một đứa tè dầm – không sao; hai đứa cũng chịu được – thay quần cho nó thôi; song, đến đứa thứ tư, thứ năm thì không giữ được bình tĩnh nữa rồi, phải làm cho chúng khiếp sợ và cho mình bõ tức – thế là đánh. 
 
Việc cô giáo đánh học sinh có thể không gây hậu quả nghiêm trọng ngay tức thì nhưng nó sẽ để lại di chứng lâu dài. Vì thế, những vụ bạo hành ở các cơ sở giáo dục MN luôn luôn bị phê phán nặng nề, thậm chí là bị trừng phạt nghiêm khắc. Thế nhưng sự việc vẫn tiếp tục xảy ra. Tại sao vậy?
 
Giáo dục MN: Nói hay - làm dở
 
Những nhà quản lý và những nhà chuyên môn ở các cơ quan chức năng của ngành giáo dục và đào tạo đều nhất trí rằng, giáo dục MN có vai trò rất quan trọng. Nó đặt “viên gạch” đầu tiên cho nền móng của quá trình giáo dục và đào tạo dài lâu đối với một con người; nó là vạch xuất phát để hình thành nhân cách con người trên đường đời dài đằng đẵng. Thành hay bại, tốt hay xấu của một con người phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn giáo dục MN. Vì vậy, hãy giành những gì tốt đẹp nhất cho giáo dục MN!
 
 
Trường MN Sen Vàng nay đã tự ngừng hoạt động giáo dục. Ảnh: KT
 
Nói thì hay như vậy, nhưng làm thì thế nào?
 
Phải nói ngay là chúng ta làm khá dở, dở ngay từ khâu đào tạo giáo viên. Còn nhớ những cơ sở đầu tiên đào tạo giáo viên MN có cơ sở vật chất rất nghèo nàn, chúng được gọi là sơ cấp, trung cấp hay cao đẳng gì đó. Thời gian học từ 6 tháng đến 3 năm. Không biết việc dạy và học ở đó được thực hiện nghiêm túc đến đâu; còn trong dân gian, người ta nửa đùa, nửa thật gọi đó là những cơ sở đào tạo giáo viên “nuôi dạy hổ”.
 
Đào tạo thì qua quít, sơ sài là vậy, khi đi làm thì chế độ đãi ngộ thấp: khó vào biên chế, lương thấp. Trong khi đó, công việc thì vô cùng phức tạp, nặng nề. Những người mẹ nuôi một, hai đứa con (là máu thịt do mình đẻ ra) nhưng nhiều khi cũng nổi xung lên vì không chịu nổi sự mè nheo, quấy quả của chúng. Do vậy, giáo dục MN thực sự là một lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Ở đây, chúng ta phải tạo ra những con người có tri thức phong phú, có nhận thức sâu rộng, có trách nhiệm, có tình thương, có kỹ năng nuôi dạy trẻ (dù chưa làm mẹ, làm cha).
 
Để có được những giáo viên có những phẩm chất như vậy, phải có quan niệm đúng về nghề nuôi dạy trẻ: Đây là công việc cần nhiều trí tuệ và tình yêu; những người theo ngành này phải là những người thông minh, giàu nhiệt huyết, tràn đầy tính nhân văn, nhân đạo.
 
Vậy mà trên thực tế trong nhiều năm qua, những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này lại cho rằng, nuôi dạy trẻ con là việc loài người làm từ ngàn xưa, ai cũng có thể làm được, cần gì người giỏi, cần gì phải đào tạo kỹ càng… Chính cách nghĩ này đã tạo ra những giáo viên MN không yêu trẻ, không yêu nghề; hời hợt và thiếu trách nhiệm trong việc hành nghề.
 
Làm thế nào để “bịt” những lỗ hổng?
 
Chúng ta thường thấy rằng, sau những vụ bạo hành ở cơ sở MN gây xôn xao, các cơ quan chức năng (từ công an tới giáo dục) sốt sắng vào cuộc. Những người có trách nhiệm đưa ra những tuyên bố (có kèm theo các biện pháp) cứng rắn. Trên thực tế, những người bạo hành trẻ em bị xử lý khá nặng; những cơ sở để xảy ra sự việc thường bị đóng cửa, giải thể… Tuy nhiên, đây không phải là những biện pháp “bịt” lỗ hổng hiệu quả trong giáo dục MN.
 
Những năm gần đây, các trường đại học sư phạm lớn đã có khoa giáo dục MN, tiểu học; nghĩa là chúng ta đã bắt đầu đào tạo giáo viên MN có trình độ đại học. Đây là một trong những nỗ lực lớn nhằm “bịt” những lỗ hổng lớn trong giáo dục MN. Tuy nhiên, cần phải nhận ra sự khác biệt lớn giữa sư phạm mầm non trung cấp và đại học. Giáo viên MN có trình độ đại học không chỉ được học dài hơn về thời gian, nhiều hơn về kiến thức, mà còn phải có kỹ năng tiết chế thái độ, tình cảm để không nổi nóng với trẻ em trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nói như vậy để thấy cách tiếp cận vấn đề trong việc đào tạo giáo viên MN phải đổi khác. Phải nâng cao đầu vào, phải thi tuyển năng khiếu, phải tạo tâm lý vững vàng, thái độ sẵn sàng, tận tâm, không ngại khó, ngại khổ khi hành nghề chăm sóc - giáo dục trẻ. Một trong những yêu cầu quan trọng là giáo viên phải có khả năng lý giải được những hành vi, thái độ của trẻ để xử lý phù hợp.
 
Song song với việc tạo ra những giáo viên MN có trình độ đại học, có cách tiếp cận mới với công tác chăm sóc – nuôi dạy trẻ, cần thay đổi chính sách đãi ngộ, tuyển dụng và thành lập các cơ sở giáo dục MN.
 
Không yêu trẻ thì đừng theo nghề!

Phải khẳng định điều này: Những người gây nên những vụ bạo hành đầy tai tiếng ở các cơ sở giáo dục MN non không phải là những người ác. Họ có những hành động đầy bạo lực vì không được đào tạo bài bản và không… quá yêu trẻ con.

Hai cô giáo (tên Ngát và tên Bình) quật dép vào đầu, thúc đầu gối vào bụng trẻ em ở cơ sở Sen Vàng tỏ ra rất ân hận vì hành vi của mình. Nói cho công bằng, họ hối lỗi một cách thành tâm. Thậm chí, cha mẹ họ cũng cảm thấy có trách nhiệm vì con cái đã có những hành vi có tính chất dã man như vậy với trẻ con mới hơn hai tuổi. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có một chút thông cảm với họ vì họ còn quá trẻ (sinh năm 1994 và 1995), chưa có kỹ năng, chưa có kinh nghiệm và có thể suy ra là chưa quá yêu nghề, yêu trẻ.

Khi đang ngồi trên nghế nhà trường phổ thông, có rất nhiều nữ học sinh thích trở thành cô giáo MN. Tuy nhiên, phần lớn các cô gái này thích là do cảm tính chứ chưa tự hỏi mình là thích nghề này trên cơ sở nào. Điều kiện cần để trở thành cô giáo MN là phải có tình yêu đối với trẻ em. Tình yêu này rất khó giải thích; có thể yêu vì đôi mắt lấp lánh, vì nụ cười tươi rói của trẻ; có thể yêu vì những câu nói ngộ nghĩnh, dễ thương của trẻ; có thể yêu vì sự trong trắng, ngây thơ của trẻ… Tóm lại, tình yêu này có một điều gì đấy có tính chất bẩm sinh. Nếu ai không có những tố chất này, không nên học nghề nuôi dạy trẻ.

                                                             Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/Tạp chí GĐ&TE