Mong mỏi có một bộ tài liệu giảng dạy chính thống
Thời gian gần đây, tại Việt Nam tệ nạn ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường ở khắp các tỉnh thành gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Học sinh (đặc biệt là học sinh THCS và THPT) trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy. Hầu hết, tội phạm ma túy thường nhắm vào các em học sinh thích ăn chơi, đua đòi, thích tụ tập với các phần tử xấu, để rủ rê, lôi kéo. Đối với một số học sinh, khi đến với ma túy đầu tiên chỉ là sự tò mò "thử một lần cho biết" để thể hiện bản thân, sau đó dẫn đến nghiện ma túy lúc nào không hay.
Một khi các em học sinh đã sa chân vào tệ nạn ma túy thì hệ lụy để lại sẽ vô cùng to lớn. Nó không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất, tâm - sinh lý, trí tuệ, nhân cách của các em mà còn làm hạn chế việc tiếp thu kiến thức, phát triển tư duy và khả năng học các kỹ năng sống cần thiết cho học tập. Từ đó dẫn đến cơ hội hòa nhập, cơ hội việc làm của các em cũng giảm dần, thậm chí còn có thể hủy hoại tương lai của các em.
Thực tế cho thấy, khi các em học sinh chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy sẽ dẫn đến tình trạng chung đó là thiếu ý thức đề phòng, nhất là khi ma túy ngày càng nhiều chủng loại khác nhau, đa dạng về hình dáng, kích thước được trà trộn vào trong đồ ăn, thức uống hàng ngày. Ngoài ra, việc các em học sinh không có nhiều kỹ năng xử lý những tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy cũng có thể khiến các em dễ trở thành nạn nhân của ma túy.
Trước thực trạng nhiều em học sinh còn thiếu các kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy như trên, là những người trực tiếp giảng dạy, truyền tải tri thức đến học sinh, không ít giáo viên đã bày tỏ niềm mong mỏi có một bộ tài liệu chính thống về phòng, chống ma túy để công tác giáo dục được thuận tiện và có hiệu quả hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Thanh Ngọc (giáo viên quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay: "Ma túy hiện nay tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau rất khó nhận biết. Các đối tượng buôn bán ma túy hoạt động ngày càng tinh vi. Đối với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh cấp THCS và THPT còn nhiều tò mò, muốn thử cảm giác ảo của ma tuý, muốn thể hiện bản thân với mọi người... Và vì thiếu hiểu biết về ma túy nên các em chưa thể biết cách tự bảo vệ bản thân trước hiểm họa này. Là một giáo viên, tôi thấy việc giáo dục phòng ngừa ma túy trong trường học là vô cùng cần thiết và rất cấp bách."
Cũng theo cô Thanh Ngọc, việc giáo dục phòng, chống ma túy trong nhà trường "không nên chỉ dừng lại ở một vài buổi tọa đàm mà phải được đưa vào chương trình chính khóa để giúp các em hiểu sâu và rõ về tác hại chết người của ma tuý, hướng dẫn và đào tạo các em học sinh những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân mình. Có như vậy, các em học sinh mới không dễ bị dụ dỗ vào việc thử hay sử dụng ma túy dẫn đến nghiện ngập."
Trong khi đó, cô Mai (giáo viên huyện Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự: "Việc giáo dục phòng ngừa ma túy trong trường học từ trước đến giờ chỉ mang tính truyền miệng, nghĩa là toàn răn dạy từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Bản thân là giáo viên, tôi nghĩ là cần có những biện pháp thiết thực hơn như tài liệu học tập, các bài giảng cụ thể và sinh động, các chuyến tham quan ngoại khóa hay học tập thực tế để học sinh được tiếp cận với vấn đề gần gũi hơn nữa."
Công cụ hữu hiệu góp phần đẩy lùi ma túy học đường
Hiểu được điều này, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã nghiên cứu, phát triển và xuất bản bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" dành cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Bộ tài liệu ra đời đáp ứng sự mong mỏi của các giáo viên nói riêng, của cả cộng đồng nói chung.
Cầm bộ sách trên tay, cô Trương Hoa (giáo viên tại quận Long Biên, Hà Nội) không giấu được sự vui mừng: "Thực sự quá vui, đây là lần đầu tiên giáo viên chúng tôi có một bộ tài liệu chính thống về ma túy để làm tư liệu giảng dạy cho các em học sinh. Tôi tin rằng có trong tay bộ tài liệu này, công tác giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường sẽ đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều, nó sẽ là công cụ đắc lực giúp đẩy lùi ma túy ra khỏi môi trường học đường".
Tương tự như vậy, cô Bùi Liên giáo viên công tác tại trường trung học ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng mừng rỡ chia sẻ: Bộ sách ra đời rất kịp thời và đúng lúc, cô và các đồng nghiệp sẽ không cần phải vất vả tìm kiếm các tài liệu về ma túy để cung cấp cho các em học sinh của mình nữa. Cô Liên tin rằng, với những kiến thức, kỹ năng mà bộ tài liệu này cung cấp các em học sinh sẽ có cái nhìn sâu hơn, chuẩn xác hơn để tự bảo vệ mình và người thân trước hiểm họa ma túy.