Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giao lưu các y bác sĩ, văn nghệ sĩ nữ vượt Trường Sơn

Sáng 28/4, nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ - TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu “Y bác sĩ, Văn nghệ sĩ vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam”.

 

Tham gia buổi giao lưu gồm các ý bác sĩ như Lê Hồng Hoa, Lê Thị Thiệp, Nguyễn Thị Phụng, Trương Xuân Liễu... các nhà văn, nghệ sĩ Trần Phúc Mộng Loan (vợ nhà văn Anh Đức), Trần Thị Thắng, Trương Tuyết Mai... cùng hàng trăm chiến sĩ trẻ đến từ các đơn vị quân đội, các đoàn viên, thanh niên.

 

Giao lưu với các văn nghệ sĩ

Các bà, các cô giờ đây đều đã trên dưới 70 tuổi, tất cả đều không giấu nổi xúc động, khi nhìn lại những bức ảnh do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài chụp họ hành quân ở Trường Sơn cách đây 50 năm. Vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, họ là những cô gái tuổi đôi mươi, sau những ngày tập kết ra Bắc, được học thành tài đã xung phong trở lại miền Nam chiến đấu. Trên con đường Trường Sơn huyền thoại, nơi họ đã hành quân và chiến đấu có rất nhiều câu chuyện xúc động được kể lại.

Bức ảnh chụp năm 1966 của NS Lâm Tấn Tài trong ảnh là các chị Lê Thị Hoa, Nguyễn Thị Phụng

Bác sĩ Lê Hồng Hoa tâm sự: Không thể nói hết những khó khăn, gian khổ ngày ấy. Băng rừng, lội suối hành quân cả ngày lẫn đêm, ngoài việc phải đối mặt với bom, đạn, phục kích của kẻ thù thì còn rất nhiều đáng kể khác. Như chuyện nhiều chị vừa đi vừa ngủ phải cột dây vào ba lô đồng đội đi trước, chuyện chị em đến tháng vẫn phải ngâm mình cả ngày dưới suối đến chuyện ăn củ mì ở rẫy cách mạng say nằm cả buổi chưa tỉnh. Rồi chuyện nhiều chiến sĩ sốt rét mắc võng nằm nghỉ giữa rừng, khi đồng đội tìm được thì chỉ còn bộ hài cốt. Năm 1968, bác sĩ Hoa được điều vào nội đô Sài Gòn để chuẩn bị cho trận Tổng tấn công Mậu Thân, sau đó chị ở lại hoạt động cùng đội Biệt động Chợ Lớn với nhiều trận đánh táo bạo làm khiếp vía quân địch.

 

Chị Lê Hồng Hoa và chị Lê Thị Thiệp nhận hoa chúc mừng ngày gặp mặt

Chị Lê Thị Thiệp, quê ở Bình Định, xung phong trở lại miền Nam năm 1966, tưởng được về lại quê hương miền Trung chiến đấu, nhưng do là Đảng viên trẻ nên chị được tăng cường cho khu vực miền Đông Nam bộ. Năm 1968 tham gia chiến dịch Mậu Thân chị kể. Khi đó người hy sinh, người bị thương nhiều lắm, thiếu thuốc đã đành, đến cái kim tiêm, cuộn băng cũng phải tiết kiệm tối đa. Băng sau khi dùng rồi phải đem giặt để dùng lại nhiều lần chỉ đến khi rách mới thôi, kim tiêm cũng được mài đi mài lại rồi mới bỏ. Nhiều chiến sĩ bị thương thiếu thuốc vết thương mưng mủ rồi hốt cả chén – thương lắm.

Các cựu tù chính trị ở TP. Hồ Chí Minh biểu diễn văn nghệ tại buổi giao lưu

Bà Trần Phúc Mộng Loan khi đó đang làm ở một thư viện ngoài Hà Nội, vì lời ước hẹn với nhà văn Anh Đức – sau này là chồng, bà đã xung phong vào chiến trường miền Nam. Gian khổ, hy sinh không khuất phục được ý chí của bà bởi bà cũng như thế hệ mình có lý tưởng và niềm tin vào sự thắng lợi của chính nghĩa.

Ca sĩ Anh Bằng biểu diễn chào mừng

Cuộc giao lưu còn trở nên sôi động và xúc động với sự tham gia biểu diễn của các diễn viên nguyên là các cựu tù chính trị và của ca sĩ Ánh Bằng với các ca khúc hào hùng như Chiếc gậy Trường Sơn, Bài ca Trường Sơn, Cuộc đời vẫn đẹp sao...