GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng ĐH Văn Lang, TP.HCM, hiện đang sinh sống và làm việc ở Mỹ. Trên trang cá nhân, ông kể lại hành trình 2 tuần đối mặt bệnh cúm. Ông cho rằng rất có thể mình đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trong kỳ nghỉ tại Mỹ.
Ngày 28/3, khi đi siêu thị cùng vợ, ông đã phòng bị cho bản thân rất cẩn thận: "Hai tuần trước tôi có đăng một tấm hình mang găng tay, đeo khẩu trang đi chợ. Nghĩ rằng mình cẩn thận như thế là đủ nhưng những gì đã xảy ra trong hai tuần qua chứng minh tôi cũng có điểm mù. Hai ngày sau thì siêu thị ấy đóng cửa vì có nhân viên bị nhiễm Covid-19 và tôi cũng ngã bệnh."
Tuy nhiên, ông cũng thông tin thêm: "Ở Mỹ không có khu cách ly tập trung, không ép phải sống cách ly, nhưng tôi cũng tìm một nơi sống cách ly để không ảnh hưởng đến gia đình và người xung quanh.
Bắt đầu tôi cảm giác cổ họng mình bị rát rất khó chịu, kế đến là sốt suốt hơn một ngày và rồi ho khan. Tất cả những triệu chứng về cúm Covid-19 tôi trải qua nhưng may mắn là khá nhanh chóng. Chỉ có đờm trong phổi, nó có sức bám khá lạ so với các cúm thường. Do đó chất nhờn này sẽ làm người rất khó thở.
Tôi hiểu được Covid-19 giết người không trực tiếp mà nó tấn công phổi tạo ra chất nhờn làm phổi mất dần khả năng hô hấp khí oxy cần thiết đến một mức nào đó thì cơ thể không thể duy trì sự sống. Nó như chết chìm từ bên trong. Vì thế những người phổi yếu có nguy cơ tử vong cao nhất với căn bệnh này."
Sau 4-5 ngày thì sức khỏe của GS Trương Nguyện Thành hồi phục từ từ. Khi thấy bản thân khỏe lên nhiều, ông mới tự lái xe đi xét nghiệm và kết quả âm tính virus SARS-CoV-2.
Ảnh chụp màn hình.
Dù ở độ tuổi U60 nhưng GS. Trương Nguyện Thành vẫn luôn luyện tập thể thao chăm chỉ và có một sức khoẻ dẻo dai. Ông từng đạp xe xuyên Việt cùng con trai và tham gia một thử thách chống đẩy trên truyền hình. Thế nhưng, trong những ngày chống chọi với cúm, ông dễ dàng cảm nhận sức khỏe và sự tập trung của mình kém đi nhiều bởi ông không thể đọc sách hay tập thể dục:
"Với lượng oxy không như bình thường, khả năng tập trung cũng như sức khỏe của tôi kém đi nhiều. Tôi có muốn đọc sách cũng không đọc được. Tôi có muốn tập thể dục cũng không có sức để tập. Cũng may tôi nhận thức được nếu không có tiêu cực (làm biếng) thì không có tích cực (siêng năng), nếu không có mềm dẻo thì sẽ không có cứng rắn, nếu không vô vọng thì làm sao tìm thấy tia sáng của hy vọng. Thế là tôi cứ thoải mái làm biếng, thoải mái ăn rồi ngủ, coi phim, không làm gì cả. Không phải suy nghĩ gì hay làm công việc gì mà chỉ lắng nghe cơ thể mình nói chuyện với mình. Có lẽ nhờ thế mà tôi hồi phục khá nhanh! Giờ thì tôi khỏe rồi."
Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, bản thân ông cũng nhận ra một bài học nữa: "Hiện tại cho dù trong người miễn nhiễm nhưng tôi cũng phải sống cách ly xã hội vì không muốn mang nguy cơ nhiễm bệnh cho người thân. Covid-19 giúp tôi nhận thức mình không sống chỉ cho mình mà cho những người xung quanh.
Chấp nhận bóng tối thì sẽ tìm thấy ánh sáng. Chấp nhận đau khổ thì sẽ tìm thấy hạnh phúc. Chấp nhận thất bại sẽ tìm thấy thành công. Chấp nhận vô vọng để tìm thấy tia sáng hy vọng."