Tham dự hội thảo có PGS.TS Trần Thị Kim Chi, phu nhân cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo; Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cũng các Phó Giám đốc, GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHQGHN cùng các nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN qua các thời kỳ và đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng của ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Viện Cơ học, Hiệp hội các trường đại học, Tập đoàn FPT, Trường Đại học FPT.
Hội thảo cũng chính là dịp để các đại biểu tham dự cùng nhau ôn lại kỷ niệm sâu sắc và đáng nhớ về một nhà khoa học tài năng, một nhà quản lý sáng tạo có tầm nhìn xa trông rộng, một nhà hoạt động xã hội nhiệt huyết, một con người giàu lòng nhân ái, vị tha, một người thầy, người anh, người đồng nghiệp đáng kính.
Một hoạt động có ý nghĩa trong khuôn khổ các hoạt động kỉ niệm 10 năm ngày mất của cố GS, VS là lễ tưởng niệm và khánh thành tượng GS.VS Nguyễn Văn Đạo nằm trong khuôn viên Hội trường mang tên ông.
Lễ khánh thành tượng GS.VS Nguyễn Văn Đạo nằm trong khuôn viên Hội trường mang tên ông tại ĐHQGHN.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Cuộc đời và sự nghiệp của GS. Nguyễn Văn Đạo gắn bó chặt chẽ, đồng hành với những bước chuyển lớn của lịch sử dân tộc, lịch sử nền giáo dục, khoa học cách mạng của nước ta trong nửa cuối thế kỷ XX. Với khả năng bẩm sinh ưu trội, thông qua quá trình học và tự học không ngừng đã từng bước trưởng thành, trở thành một nhà khoa học xuất sắc, một nhà quản lý có uy tín cao trong cộng đồng khoa học và giáo dục đại học Việt Nam”.
Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, hội thảo khoa học với chủ đề “GS.VS Nguyễn Văn Đạo với Quản trị đại học” là một dịp ý nghĩa để đánh giá, tri ân và suy tôn những đóng góp, cống hiến của GS.VS Nguyễn Văn Đạo đối với nền giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị đại học, một trong những tâm huyết của ông lúc sinh thời.
“ĐHQGHN ra đời và phát triển, tạo dựng được những thành tựu ban đầu nhờ có được quyền tự chủ ở mức độ nhất định. Tự chủ đại học là tính độc lập và quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm trước xã hội của một đại học trên các phương diện về học thuật, về quản trị điều hành và về tài chính. Nó gắn với tự do học thuật, phát triển học thuật, gắn với đào tạo để phát triển con người, phát triển năng lực sáng tạo, để cung cấp nhân lực chất lượng cao, tạo dựng tầng lớp tri thức” – Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Tại hội thảo, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc ĐHQGHN, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, hồi tưởng về những kỷ niệm về GS.VS Nguyễn Văn Đạo – một nhà khoa học hàng đầu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ nước nhà nói chung và ngành Cơ học nói riêng, một nhà quản lý giáo dục tâm huyết, người có đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển ĐHQGHN.
GS.VS Đào Trọng Thi chia sẻ, đầu thập niên 1990 đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã chuyển từ hướng tổ chức đào tạo theo chuyên môn hẹp tại các trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực sang đào tạo theo chuyên môn rộng trong các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường ngày càng năng động. Từ đó, Chính phủ chủ trương thành lập 2 ĐHQG (ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM) và các đại học vùng.
“Cho đến tận bây giờ, hình ảnh Giám đốc Nguyễn Văn Đạo kiên cường đấu tranh, vượt qua các trở ngại để bảo vệ và triển khai mô hình ĐHQGHN ngày đó vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi” – GS.VS Đào Trọng Thi xúc động.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục đã đề cao ý tưởng của GS.VS Nguyễn Văn Đạo, ngay từ ngày đầu thành lập ĐHQGHN, GS.VS Nguyễn Văn Đạo đã ký quyết định thành lập Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo và Nghiên cứu phát triển Giáo dục (tiền thân của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục) - tiền đề của công tác kiểm định, đánh giá trong ĐHQGHN.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, quản trị đại học trong ĐHQGHN có tác động qua lại với hệ thống mở trong nước và khu vực cũng như trên thế giới. Cùng với đó, quản trị đại học trong ĐHQGHN đang từng bước chuyển sang quản lý theo chỉ số/mục tiêu/sản phẩm, sự tham gia của các hội đồng, các bên liên quan đang được chú trọng hơn.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, xu hướng chung của quản trị đại học trên toàn cầu hiện nay là chuyển từ mô hình Nhà nước kiểm soát (state control) sang Nhà nước giám sát (state supersivion) và quản trị chia sẻ (shared governance) trong không gian sáng tạo (innovation spaces).
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh - ĐHQGHN (HSB) nhắc nhiều đến vai trò của GS.VS Nguyễn Văn Đạo với quản trị đại học – nền móng của việc thành lập tập đoàn FPT. “Trong quá trình thành lập công ty đầu tiên, tiền thân của Tập đoàn FPT, chúng tôi luôn nhận được sự động viên, tin tưởng của GS.VS Nguyễn Văn Đạo” – ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Nói về ý tưởng thành lập HSB, ông Trương Gia Bình nhắc nhiều đến công lao, sự ủng hộ của GS.VS Nguyễn Văn Đạo và HSB đã phát triển, hoạt động với nhiều thành tựu trong suốt thời gian qua.
Thay mặt gia đình, PGS.TS Trần Thị Kim Chi, phu nhân GS.VS Nguyễn Văn Đạo đã gửi lời cảm ơn tới ĐHQGHN đã tri ân và dựng tượng tưởng nhớ tại chính hội trường lớn mang tên ông. PGS.TS Trần Thị Kim Chi trang trọng nhắc tới cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người đưa ra ý tưởng thành lập các ĐHQG. “Với tôi, ông là một con người thật vĩ đại. Với các ĐHQG, ông là cha đẻ, người nâng niu, nuôi dưỡng, ủng hộ hết mình các ĐHQG trong những giờ phút cam go nhất” – PGS.TS Trần Thị Kim Chi bày tỏ.
Với những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, năm 2001, GS.VS Nguyễn Văn Đạo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trước đó, tại tòa nhà lịch sử 19 Lê Thánh Tông, ĐHQGHN đã dựng tượng GS. Ngụy Như Kon Tum và GS. Lê Văn Thiêm tại khuôn viên hai hội trường mang tên hai vị Giáo sư.