Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giao thông Việt Nam: Một con sâu hay cả đàn sâu?

Một con sâu hay cả đàn sâu đang hiện hữu trong các đơn vị công quyền có trách nhiệm duy trì trật tự, an toàn giao thông?

 

Đó là câu hỏi TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đặt ra trong bài phân tích tiếp về Văn hóa giao thông Việt Nam.

Một con sâu hay cả đàn sâu

Về nhận thức và sự tuân thủ pháp luật giao thông của những người tham gia giao thông, có thể nói, dù không “Vơ đũa cả nắm”, thì có một thực tế khá buồn, khá tiêu cực. Như trên đã nêu, bất kỳ ở đâu, đặc biệt là ở các đô thị lớn, vào giờ cao điểm, rất dễ dàng chứng kiến hình ảnh của người tham gia giao thông vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông, chứng kiến hiện tượng chen lấn, luồn lách, đánh võng, sang đường bất ngờ, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, dành đường, vượt ẩu...

Ảnh minh họa

Dù đó là người đi bộ, hay người điều khiển các loại phương tiện giao thông, dù ở phố thị đông đúc hay ở các miền quê. Nói không ngoa, ra đường là gặp vi phạm pháp luật giao thông. Nhiều khi thấy chướng tai, gai mắt, như một sự thách thức. Nhưng mãi rồi thấy quen, thấy nhờn, thấy bớt sự khó chịu. Có khi lại hỏi, với thực tế giao thông vón cục, hỗn độn ở một số địa bàn, một số thời điểm như hiện nay, liệu có xây dựng được văn hóa giao thông một cách thuận lợi hay không?

Điều gì tạo nên tình trạng trên? Việc bố trí giờ giấc không phù hợp? Tại hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, xuôi thuận, có nhiều nút cổ chai, điểm nghẽn? Cư dân tham gia giao thông vón cục, hỗn độn ở một số địa bàn, một số thời điểm, theo tôi, ngoài việc bố trí thời gian, giờ giấc, ngoài lý do hạ tầng, thì không thể không nói tới quy hoạch cư dân, quy hoạch xây dựng tùy tiện, chen chúc, và còn phải kể đến việc tăng dân số cơ học không thể kiểm soát như vừa qua, đặc biệt là ở vùng lõi đô thị lớn là điều khó chấp nhận.

Không những tăng dân số cơ học, tệ hại hơn là với số dân được tăng cơ học đó, lại kéo theo rất nhiều thói quen, văn hóa ứng xử của các vùng miền nông thôn khác nhau, kể cả thói quen, sự tùy tiện đang có ở các làng xã về chung sống với văn hóa, văn minh đô thị, đặc biệt là sinh hoạt trên đường phố, khi tham gia giao thông.

Ở đây, tôi không bàn về cái hay hay dở, cái tốt hay xấu, mà chỉ muốn nói đến sự không dung hợp, hài hòa giữa hai thói quen, hai đặc tính văn hóa, hai cách sinh hoạt, ứng xử của văn hóa nông thôn và văn hóa đô thị, trong đó, có văn hóa giao thông, đặt chúng trong mối quan hệ trực tiếp với văn hóa giao thông. Như vậy, nhận thức và sự tuân thủ pháp luật giao thông đang là vấn đề lớn, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Nó còn phụ thuộc khá lớn vào văn hóa chung của cả xã hội.

Một yếu tố rất quan trọng đã được nói tới ở trên, đó là văn hóa giao thông được hình thành trong các tầng lớp cư dân, trong xã hội, một phần là còn ở nhận thức từ chính các bài học trực tiếp, những thông tin, hình ảnh mà người dân nhận được trực tiếp, mang tính trực quan sinh động ngay trên đường, khi tham gia giao thông. Đáng tiếc, những hình ảnh, bài học này, phần lớn lại tiêu cực, phản cảm, là xấu đang đập vào mắt, buộc phải chứng kiến, tác động vào nhận thức, ứng xử hàng ngày của người tham gia giao thông, đặc biệt là thế hệ trẻ, thanh thiếu niên.

Cũng rất đáng quan tâm về nhận thức, hiểu biết chung. Không thể nói là người ta vi phạm vì thiếu hiểu biết, không nắm quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Theo tôi, phần lớn trường hợp, khi thực hiện hành vi vi phạm khi tham gia giao thông, người ta đều biết, như vậy là vi phạm, là trái, là không được phép. Vậy do đâu mà họ cố tình vi phạm? Câu hỏi này không khó trả lời với phần lớn mọi người.

Về lực lượng chức năng duy trì trật tự, an toàn giao thông, như trên đã nêu, đang có sự bất lực của nhân viên công quyền trước các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông xẩy ra nhiều, phổ biến, đa dạng xung quanh họ, từ người đi bộ, người gánh hàng, kéo, đẩy hàng, các loại phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô chạy giăng mắc trước mặt, xung quanh. Vi phạm mọi lúc, mọi nơi, đủ các mức độ khác nhau, không xử lý cho kịp, cho hết được. Họ e ngại hay bất lực? Mặt khác, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng đang là một thực tế hàng ngày không hiếm gặp. Có vi phạm là có nài nỉ, có can thiệp, có việc sẵn sàng đưa tiền theo kiểu cưa đôi, theo kiểu nhờ cầm để nộp phạt hộ.

Nhiều trường hợp, đưa hối lộ cho nhân viên công quyền ở đội, ở chốt, ở nơi vi phạm đã có chuẩn, có mức, có luật bất thành văn nhưng rất nghiêm ngặt. Thậm chí lại có cả đội quân “chân gỗ” nhận tiền hộ cho nhà chức trách nữa.

Nên thấy rằng chính hành vi tuân thủ, sự nghiêm chuẩn nhiều hay ít của lực lượng này là nhân tố rất quan trọng thúc đẩy hay cản trở, phá bỏ việc hình thành, hoàn thiện văn hóa giao thông ở nước ta.

Nếu lực lượng này tận tâm, tận lực, thực sự nghiêm chuẩn sẽ là tấm gương cho xã hội noi theo. Xã hội đang nhiều lần tự hỏi, một con sâu, nhiều con sâu, hay cả đàn sâu đang hiện hữu trong các đơn vị công quyền có trách nhiệm duy trì trật tự, an toàn giao thông?

Có không ít những tấm gương tận tụy, liêm chính, những việc làm tốt đẹp trong các lực lượng chuyên trách. Nhưng đáng tiếc, công luận vẫn đang phải hàng ngày, hàng giờ chứng kiến tiêu cực, tham nhũng ở một số người có trách nhiệm duy trì trật tự, an toàn giao thông.

Sự liêm chính, trong sạch, tính chuyên nghiệp, hành động của lực lượng có trách nhiệm duy trì trật tự, an toàn giao thông được xem như điều kiện cần thiết, yếu tố mang tính quyết định giúp hình thành và phát triển nền văn hóa giao thông ở nước ta. Như trên đã nêu, nói nghiêm minh trong giải quyết các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, thì trước hết, và rất quan trọng là cần duy trì sự nghiêm minh, liêm chính ngay trong lực lượng này.

Giải pháp cấp bách

Để kết luận, tôi cho rằng, các nội dung phản ánh, phân tích nhiều chiều, nhiều mức độ trên đây đã là phần lớn câu trả lời về các lý do, nguyên nhân chính về thực trạng và nguyên nhân của văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay. Tôi tự hỏi, liệu phản ánh, phân tích trên đây có quá tiêu cực, bôi đen thực trạng về văn hóa giao thông ở Việt Nam? Chủ ý của tôi là tập trung vào các điểm hạn chế, tiêu cực nhằm mục đích giúp cho việc đề xuất các giải pháp phù hợp tiếp tục nâng cao, hoàn thiện văn hóa giao thông theo định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước, mong muốn của nhân dân ta.

Theo tôi, để xây dựng văn hóa giao thông, cần lưu ý mấy điểm sau:

Thứ nhất, về thể chế, pháp luật và hạ tầng các công trình giao thông:

Về thể chế, pháp luật, dù chưa thật hoàn hảo, hoàn thiện như mong muốn, nhưng theo tôi, hệ thống thể chế, pháp luật của Nhà nước ta về trật tự, an toàn giao thông hiện đã khá hoàn chỉnh, khá tốt, đáp ứng yêu cầu của việc duy trì trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông ở Việt nam hiện nay. Việc tiếp tục hoàn thiện thể chế cũng là điều đương nhiên

Hệ thống hạ tầng giao thông lại là một vấn đề lớn. Dù có lạc hậu, bất cập, dù có tác động không tốt cho việc xây dựng văn hóa giao thông như đã nêu ở trên, thì đây là việc không thể giải quyết ngay trong một sớm, một chiều. Vấn đề là phải nhanh chóng huy động các nguồn lực trong xã hội để sớm khắc phục tình trạng yếu kém, lạc hậu của hệ thống hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi khách quan cho việc hình thành văn hóa giao thông.

Thứ hai, vậy điểm trọng tâm cần tập trung giải quyết ngay trước mắt là những vấn đề gì?

Tôi cho rằng, chúng ta cần tập trung ngay vào hai điểm cơ bản:

Đó là tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức thích hợp cho mọi người dân nắm chắc về pháp luật. Diện rộng là cần, nhưng nên tập trung tuyên truyền theo kiểu trực quan sinh động,

Ví dụ như Biển thông tin về một số hành vi vi phạm, mức phạt điển hình đặt ở nơi người dân, các phương tiện giao thông lưu thông, qua lại, các ngã ba, ngã tư (như nhiều thành phố dang làm), Có Loa thông tin thật súc tích, ngắn gọn về an toàn giao thông ở nơi thích hợp (như Hà Nội đang làm).

Điều khá quan trọng là giáo dục mọi người tham gia giao thông bằng chính việc phát hiện, xử phạt kịp thời các hành vi vi phạm. Tôi cho rằng phạt nặng, nhiều khi lại không hay, không hiệu quả bằng việc phát hiện và xử lý ngay mọi hành vi vi phạm của những người tham gia giao thông. Không có bài giảng luân lý, văn hóa nào thấm thía, hay, hiệu quả bằng biện pháp này đối với người vi phạm và những người xung quanh.

Biện pháp vừa nêu gắn bó chặt chẽ với yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngay trong các lực lượng chức năng có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm. Chống cho được các biểu hiện chây lười, e ngại, né tránh. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát huy vai trò phát hiện của người dân nhằm chống tiêu cực, tham nhũng của những người thoái hóa, biến chất, thanh lọc nội bộ lực lượng một cách thực chất, kiên quyết.

Nếu thực hiện tốt các giải pháp cấp bách vừa nêu, theo tôi sẽ tác động trực tiếp, chi phối ngay hành vi của những người có trách nhiệm và của mọi người dân, góp phần quyết định vào việc xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra quy phạm văn bản pháp luật - Bộ Tư pháp)