Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giáo viên hiến kế đổi mới môn Lịch sử

Nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử cho rằng, để môn học này thu hút học sinh thì cần thay đổi sách giáo khoa, chương trình cũng như cách thức giảng dạy.

 

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” đề cập việc tích hợp nội dung môn Lịch sử với môn Đạo đức-Công dân và An ninh-Quốc phòng thành môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”.

Tuy nhiên, nhiều học giả, nhà khoa học, sử học và thậm chí là giáo viên lại phản đối cách thức tích hợp này và bày tỏ sự lo ngại vị thế môn Lịch sử có thể bị “lãng quên”. 

Bỏ cách dạy “thầy đọc trò chép”

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đức (giáo viên dạy Sử trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, học sinh đang chán học Lịch sử vì đó là môn tự chọn. Thực tế là trong giờ học, giáo viên phải dạy hay và luôn kêu gọi các em không làm việc riêng thì học sinh mới nghe. 

Nếu Bộ GD&ĐT cho tích hợp môn học này với các môn khác thì không hiểu môn Lịch sử có được coi trọng nữa hay không vì hiện nay giáo viên, học sinh đều rất là “mơ hồ” không biết việc giảng dạy và học tập sẽ như thế nào.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đức

Cô Minh Đức cho biết, hiện học sinh đang có xu hướng thiên về học các môn Khoa học tự nhiên, lựa chọn học theo ban A, D...  không thích học các môn Khoa học xã hội nên nhiều kiến thức đơn giản về môn Lịch sử cũng không nắm được, việc lựa chọn môn học này để tham gia kỳ thi THPT cũng rất ít. Chính vì thế, có thể nói, học sinh không học toàn diện nên nhiều khi có sự nhìn nhận một cách lệch lạc.

Trong việc giảng dạy môn Lịch sử, nhiều giáo viên có trở ngại lớn là không phải bản đồ, lược đồ môn Lịch sử nào cũng có thể áp dụng vào dạy học ngay được nên khi dạy phải có sự “can thiệp” lại. Ngoài việc sử dụng bản đồ thì giáo viên rất cần phải có máy chiếu để giảng dạy. Thế nhưng, ở một trường học, số lượng máy rất có hạn. Để tạo điều kiện cho giáo viên giảng dạy tốt, thu hút học sinh hơn, nhà trường cần được đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tự nâng cao trình độ chuyên môn, có sự đầu tư vào bài giảng, thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm thu hút học sinh nhiều hơn. Còn nếu giáo viên tiếp tục giảng dạy theo kiểu “thầy đọc trò chép” thì chắc chắn học sinh sẽ chán học môn Lịch sử.

Mặt khác, hiện nay, thời lượng giảng dạy môn Lịch sử còn ít. Nếu tính ra, học sinh chỉ học trung bình 1 đến 1,5 tiết/tuần mà chương trình học thì khá nặng, nhiều sự kiện, ngày tháng. Chính vì thế, thời lượng học môn này nên được tăng thêm để học sinh nắm bắt được kiến thức hơn.

Sách giáo khoa phải cô đọng, hấp dẫn hơn

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền (giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng: Để giảm tải việc học tập quá nặng nề cho học sinh, việc tích hợp một số môn học có nội dung gần nhau là hợp lý. Ví dụ như Bộ GD&ĐT có thể tích hợp môn Lịch sử và Địa lý như ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, ở cấp trung học phổ thông, môn Lịch sử nên được đứng độc lập, không nên tích hợp.

Môn Lịch sử có những kiến thức khác nhau, với đặc trưng riêng nên rất khó tích hợp được với môn  Đạo đức-Công dân và Quốc phòng-An ninh. Nếu có tích hợp thì chỉ ở một số chủ đề, đơn vị kiến thức rất hạn chế như giáo dục lòng yêu nước, trình bày về những trận đánh giặc lớn của cha ông ta.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền

Bên cạnh đó, chương trình sách giáo khoa cần được thay đổi theo hướng cô đọng lại, giảm tải kiến thức trùng lặp.

Thực tế, chương trình học tập môn Lịch sử có nhiều sự kiện, ngày tháng. Tranh ảnh trong sách giáo khoa ít, chưa thực sự bắt mắt nên không thu hút được học sinh. Nhiều học sinh quan điểm Lịch sử là môn học thuộc lòng nên rất ngại học. Để thu hút học sinh yêu thích môn Lịch sử, việc đổi mới, biên soạn sách giáo khoa cần được trình bày hấp dẫn, có nhiều tranh ảnh màu. Kiến thức trong sách giáo khoa không nên dàn trải quá nhiều.

Theo cô Thanh Huyền, bất cập về kiến thức trong sách giáo khoa môn Lịch sử là nhiều bài học từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông bị trùng lặp, nhiều nội dung không có gì mới nên có thể dẫn đến học sinh nhàm chán học môn này. Vì vậy, nếu có đổi mới, biên soạn lại chương trình sách giáo khoa, các nhà biên soạn sách nên chú ý, cân nhắc đến vấn đề này.

Từng có dịp cầm được những quyển sách môn Lịch sử của Singapre, cô giáo Thanh Huyền cho biết, Singapore rất chú trọng đến giáo dục lịch sử dân tộc cho học sinh nên phần lịch sử dân tộc là nội dung bắt buộc học. Còn phần lịch sử thế giới là phần tự chọn.

Cô Thanh Huyền cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo cách biên soạn sách giáo khoa của Singapore cũng như yêu cầu giảng dạy, học tập môn Lịch sử như ở nước bạn đã thực hiện.

Để học sinh hứng thú với môn Lịch sử hơn, chúng ta cần thay đổi chính sách đối với giáo viên dạy Lịch sử vì hiện nay, một người học chuyên ngành Lịch sử tìm kiếm, phát triển cơ hội việc làm và tăng thêm thu nhập rất ít.

Tham khảo ý kiến nhiều chiều

Cô B.T.Phượng (giáo viên dạy Lịch sử ở một trường THPT tại Hà Nội) lo ngại, một số nước như Nhật Bản đã từng tích hợp môn Lịch sử với một số môn học khác nhưng thất bại và đã phải quay trở lại để môn Lịch sử đứng độc lập, riêng biệt.

Nếu môn Lịch sử bị cắt xén, ghép nối thì trong tương lai, vị thế môn học có thể bị lãng quên. Học sinh có thể hiểu lơ mơ về môn Lịch sử và thế hệ trẻ có nguy cơ “quay lưng” với lịch sử dân tộc.

Cô B.T.Phượng cũng tỏ ý lo ngại về thời lượng giảng dạy, học tập nếu tích hợp nội dung môn Lịch sử, Quốc phòng- an ninh và Đạo đức-công dân hợp thành môn Công dân với Tổ quốc. Lý do là vì mỗi một môn học có những đặc trưng khác nhau. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên hiện nay chưa đủ khả năng để giảng dạy môn học tích hợp này.

Học sinh vốn đã thờ ơ với việc học môn Lịch sử và nếu tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc” thì liệu rằng có làm cho học sinh hứng thú với môn học mới không? Tỷ lệ phần trăm nội dung các môn học Lịch sử, Quốc phòng- an ninh và Đạo đức-công dân là như thế nào nếu được tích hợp?

Đổi mới môn Lịch sử là cần thiết, nhưng Bộ GD&ĐT cần cân nhắc kỹ, tham khảo ý kiến nhiều chiều và ý kiến xã hội trước khi đưa ra quyết định cuối cùng./.