Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giáp hạt

Căn bếp thân thương của mẹ.


Nhưng xem ra, hội làng năm nay mọi sự thuận, kiệu bay mãi không dừng nơi cửa miếu, nghe các cụ nói, chắc Nhà Ngài ưng với lòng thành, lễ mọn của làng và các xóm rước về, nên báo ứng. Trận mưa ngày mùng, ngày sau rằm rõ lớn, nước ra mương, theo dòng chảy về sông, lúa chẳng bận gì. Mát đồng xong nắng trải, lúa làm đòng rồi ngậm sữa thơm mát. Đến ngọn gió thổi về làng cũng thơm. Làng thuần nông, không có nghề phụ, cảnh nông nhàn có phần buồn tênh. Đôi người nhanh nhẹn, băng qua con đường liên thôn, liên xã đi làm công nhật cho những người xã bên kiếm thêm. Đấy là những người rảnh rang, mau mắn, biết việc lại có sức khỏe, chứ người bấn việc nhà, già cả hay cháu con còn nhỏ thì cũng khó dứt ra mà đi làm thêm. Những nghề thủ công quanh vùng lại luôn yêu cầu thợ tinh, không theo học cũng khó bắt tay vào làm việc được.


Mưa thuận gió hòa là mong cho vụ này, vụ trước thóc trong bồ những tưởng đã xong, nhưng chưa hẳn. Tháng ba ngày tám, tháng giáp hạt, cót thóc cạn tới đáy. Nhà đông khẩu, giỗ chạp, hiếu hỉ cũng không thể bỏ được đám nào, lại các con ăn học… Giáp hạt, ắng lặng những nỗi lo.
Được ngày nắng, dỡ cót, đong từng thúng, quét sân sớm để phơi lại thóc. Nói là thóc cuối cót ẩm, phơi lại, nhưng thực ra là cân đong xem liệu có thiếu đói, để còn biết đường chạy vạy. Nhiều nhà trong làng phơi lại thóc, xem ra tiếng cười ít hơn, bếp lửa có khi không đỏ đủ 3 lần trong ngày, cầu ao khối người rửa xảo khoai lang hay mớ sắn.


Giáp hạt, hàng xay xát trong làng không phải thắp đèn xát gạo tối, thúng gạo, bao trấu non non gánh về chứ không được nặng gánh như ngày mùa.


Chợ làng, có xe thồ của người bên bãi về bán sắn, nắng chưa cao đỉnh đầu đã thấy hết. Bữa trưa, bữa chiều có nhà trong làng, người lớn ăn củ sắn thay cơm.


Đám choai choai đang tuổi lớn gầy nhẳng, chiều tà rủ nhau tát khúc mương, chia cá, chia tép váng cả một quãng đường đồng. Giáp hạt, bố mẹ chạy gạo ăn đã khó, chúng biết thế nên lo mớ cua, con tép để bữa ăn thêm chất. Sắn bở, ăn với tép kho tương, đang tuổi lớn cũng là chấp nhận được. Có đứa sớm dậy cất te được mớ tôm tươi, mẹ nó cũng phải tất tả sang chợ phiên làng bên bán, khi về có dăm cân gạo xách theo. Đàn bà thường dè sẻn, lúc giáp hạt này lo có khi không ngủ, thương chồng con lại nghĩ mình không đảm, giật gấu vá vai vụ này, mong giời thương vụ sau sẽ khá…

Tiếng đài đội vang vang báo bão. Chớp chằng ngang trời, sợ đồng lại mất trắng, nghe mà lo, mà nhớ câu đài đội nhắc “xanh nhà hơn già đồng’’. Lúa gặt xanh, lép nhiều, trấu lắm, thóc gạo nào được mấy. Nhưng để lúa ngập, mất cả, thì có mà đói vàng mắt.


May quá! Nước rút kịp. Nắng lên, lúa chín vàng rải thảm trên đồng, đôi nhà gặt sớm, bông sai lúc lỉu. Tiếng máy tuốt xè xè, quạt hòm khênh ra quạt mỏi tay đến sẩm tối.
 

Tháng ba ngày tám, tháng giáp hạt, cót thóc cạn tới đáy. Nhà đông khẩu, giỗ chạp, hiếu hỉ cũng không thể bỏ được đám nào, lại các con ăn học… Giáp hạt, ắng lặng những nỗi lo.


Khoai lang là món ngon của những ngày giáp hạt.

 

Được mấy ngày nắng đượm, thóc khô roong. Những tải thóc đầu tiên được đem đi xay xát, những giần sàng trên gác bếp được dỡ xuống quét sạch bồ hóng, sàng rồi dần ngay mẻ gạo mới. Sớm mai dậy đã có cơm mới, trắng, dẻo, thơm phưng phức. Mớ cá bống kho trong niêu còn đây, ăn bát cơm cho chắc dạ mới đi gặt được.


Lúa chín theo ngày, vàng ươm trong nắng, lúa theo chân người kĩu kịt về làng. Vài đứa trẻ vác bát đi xin nước cà về rang châu chấu. Bữa cơm mùa gặt có thêm món tôm bay giòn, béo, thơm ngậy rắc lá chanh, mới ngon làm sao…


Nhớ, nhớ lắm, nhớ đến cay mắt những giáp hạt năm nào. Sáng đói mấy cũng dậy học thuộc lòng. Quê hương mình đẹp, đàn cò bay trong nắng, thèm một bát cơm gạo mới, chắc chắn thế, mà vẫn không quên ước mơ.


Giờ đồng làng năm hai vụ lúa, lại thâm canh gối vụ, nhiều người còn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nên giáp hạt chả ai còn đói. Ngô, khoai, sắn từ bãi vẫn được thồ về chợ làng, chợ tổng bán đều. Các bà, các chị vẫn xách về đôi ba cân, nhưng mà là mua về ăn chơi, đổi bữa. Ai cũng bảo giờ trồng thứ này thu nhập cao hơn trồng lúa. Gạo hơn, gạo kém cũng ít người để tâm. Nhiều chị cứ kén cái đằng gạo ngon nhất chợ mới đong. Làng còn cảnh nông nhàn, nhưng không còn nheo nhóc khi giáp hạt. Đám trẻ đôi khi được nghe kể, tròn mắt không tin rằng, làng mình, nhà mình xưa, ông bà, mẹ cha từng lo thắt ruột lúc giáp hạt. Câu chuyện thời xa lắc trở về trong nghẹn ngào nước mắt. Ai đã từng đi qua, xin cất giữ giùm. Tôi viết đoản văn này có thể chỉ để tặng cho những 7X trở về trước...


Giáp hạt, bố mẹ chạy gạo ăn đã khó, các con biết thế nên lo mớ cua, con tép để bữa ăn thêm chất. Sắn bở, ăn với tép kho tương, đang tuổi lớn cũng là chấp nhận được. Có đứa sớm dậy cất te được mớ tôm tươi, mẹ nó cũng phải tất tả sang chợ phiên làng bên bán, khi về có dăm cân gạo xách theo. Đàn bà thường dè sẻn, lúc giáp hạt này lo có khi không ngủ, thương chồng con lại nghĩ mình không đảm, giật gấu vá vai vụ này, mong giời thương vụ sau sẽ khá…

Nguyễn Minh Hoa/TC GĐ&TE