Sáng chủ nhật (27/3), luật sư Carl W. Greifzu, một cựu binh đã gìn giữ cuốn nhật ký của Anh hùng Đặng Thùy Trâm hơn 20 năm đã lần đầu đến thăm ngôi nhà của bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Carl W. Greifzu không giấu được vẻ ngạc nhiên khi gặp mẹ của người Anh hùng liệt sĩ, thấy bà lão ở tuổi ngoài 90 vẫn nói tiếng Pháp như gió, đặc biệt, mẹ và các em gái của chị Trâm đã dành cho ông một không khí đón tiếp ấm áp, chân tình, cởi mở.
Carl Greifzu cũng không giấu được sự thích thú trước phong thái tĩnh tại, lạc quan và khỏe mạnh của bà Doãn Ngọc Trâm. Bà cười nhẹ nhàng: Chắc là Đặng Thùy Trâm phù hộ mẹ để bà sống lâu và thấy được sự yêu thương của mọi người. Gia đình cũng cám ơn Carl W. Greifzu vì nếu không có ông giữ gìn ngần ấy năm, thì không có được một nhật ký Đặng Thùy Trâm bây giờ.
Luật sư Carl W. Greifzu và bà Doãn Ngọc Trâm trò chuyện thân tình tại gia đình bà Trâm |
Những năm 1970 – 1971, Carl W. Greifzu phải đi lính sang Việt Nam, làm công việc thẩm vấn tù binh ở Đức Phổ (Quảng Ngãi). Do đặc thù công việc, trước khi đi ông phải học một lớp tiếng Việt. Nhờ đó ông đã có một người vợ Việt Nam xinh đẹp, lớn hơn ông 12 tuổi và giờ ông vẫn còn nhớ một chút tiếng Việt.
Carl W. Greifzu là bạn thân của Fredric Whitehurst, người đã nhặt được cuốn nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm và suýt đốt nếu không có lời can “trong ấy đã có lửa” của người phiên dịch. Sau đó, vì làm việc cho FBI, Fredric đã gửi cuốn nhật ký nhờ Carl giữ hộ.
Luật sư Carl W. Greifzu thắp hương trên bàn thờ chi Đặng Thùy Trâm.
Carl W. Greifzu nhớ lại: Tháng 9-1971, khi ông được trở về Mỹ, Fredric Whitehurst đã gửi ông giữ hộ cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, những người lính Mỹ trở về nước đều bận rộn với công việc mưu sinh, nên Carl và Fredric đã không có điều kiện gặp lại, vì cách nhau cả ngàn cây số.
Dù chỉ ở Việt Nam 2 năm, nhưng ký ức về cuộc chiến luôn ám ảnh, khiến Carl W. Greifzu day dứt không nguôi. Ông đưa cuốn sổ cho vợ là bà Trần Thị Kim Dung đọc và dịch sang tiếng Anh. Những trang viết máu lửa chiến trường ấy càng cuốn hút, khiến Greifzu đề nghị vợ dịch toàn bộ cuốn nhật ký ra giấy, để nhiều người cùng đọc được.
Luật sư Carl W. Greifzu và bà Doãn Ngọc Trâm bên bản photo cuốn nhật ký. |
Tuy nhiên, do vốn tiếng Anh của bà Kim Dung chưa nhiều, nên Carl phải vừa đánh máy, vừa hiệu đính. Hai vợ chồng ông đã cùng làm việc nhiều ngày liền để có một bản dịch hơn 100 trang. Đây là bản dịch đầu tiên của cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, trước khi nó được dịch sang 18 thứ tiếng ở 22 nước như hiện nay với số lượng in chỉ riêng ở Mỹ đã gần 100.000 cuốn và đều đặn hàng năm vẫn tái bản.
Carl W. Greifzu kể tiếp: Ông và bà Kim Dung đã thuộc lòng nhiều trang nhật ký của người “Nữ bác sĩ Việt Cộng”. Bởi đó là một phần cuộc đời của vợ chồng ông. Bà Trần còn photo thêm nhiều bản dịch để gửi tặng những người bạn cựu binh Mỹ cùng đọc, giúp họ hiểu thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam…(Lần này trở lại Việt Nam Carl Greifzu mang theo bản dịch đầu tiên ấy để tặng lại.)
Bìa và 4 trang bản thảo nhật ký Đặng Thùy Trâm |
Chính “ngọn lửa” đầy tính nhân văn từ cuốn sổ của người lính đối phương lan tỏa, đã khiến Fredric dành gần 10 năm trời tìm kiếm thân nhân của chị, nhằm thực hiện nguyện ước trao di vật vô giá này đến gia đình chị. Sau đó, Fredric Whitehurst cùng Robert Whitehurst đã có một hành trình rong ruổi đến Việt Nam tiến hành cuộc “châu về hợp phố”, góp phần quan trọng làm nên một hiện tượng trong văn hóa đọc ở Việt Nam vào năm 2005.
Khi bà Doãn Ngọc Trâm mang bản photo cuốn nhật ký viết tay của chị Đặng Thùy Trâm đưa cho Carl, ông lặng đi vì xúc động. Carl Greifzu nhớ rất rõ rằng, cuốn nhật ký gốc của chị Trâm chỉ bằng ¾ bản photo hôm nay và những dòng chữ viết tay thì rất nhỏ.
Luật sư Carl W. Greifzu bên ngôi mộ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. |
Một dòng nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được khắc trên bia mộ. |
Carl bảo, nhìn bản nhật ký, ông như thấy lại kỷ vật mà ông đã gìn giữ cho Fredric hơn 20 năm, đặc biệt như thấy hình bóng người vợ quá cố trong những tháng ngày cặm cụi cùng ông dịch cuốn nhật ký, để ông hiểu thêm về tình yêu Tổ quốc, về sức sống mãnh liệt trong tâm hồn những người lính Việt Nam và hiểu đó chính là động lực để họ vượt qua mọi thử thách.
Ông ngạc nhiên khi không thấy cuốn nhật ký gốc và tỏ ra hài lòng khi biết cuốn sổ hiện được bảo quản tại Trung tâm Việt Nam ở Texas –một trong 2 Trung tâm lớn nhất lưu giữ hiện vật về Việt Nam ở Mỹ.
Sau khi thắp hương trước bàn thờ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Carl Greifzu cùng các em gái của chị Thùy lên viếng mộ chị ở Nghĩa trang liệt sỹ Nhổn. Người cựu binh Mỹ trầm mặc bước giữa những ngôi mộ thẳng tắp như những hàng quân, yên bình dưới tán cây, bóng hoa và nắng, đến bên ngôi mộ người nữ liệt sĩ.
Carl W. Greifzu viếng mộ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. |
Carl W. Greifzu thăm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc |
Ngôi mộ lúc nào cũng có hoa tươi, những bông hồng trắng dịu dàng và thơm ngát do nhiều người đến thăm chị đặt lên. Có lẽ khi đó là những cảm xúc rất khó tả trong Carl khi lần đầu “gặp mặt” người con gái mà ông đã gìn giữ di vật của chị suốt hơn 20 năm trời.
Carl hỏi rất kỹ tất cả những gì liên quan đến ngôi mộ chị Thùy. Rằng vì sao lại có 2 ngày hy sinh trên cùng ngôi mộ chị? Những bông sen hồng bằng giấy trên mộ chị là hoa gì? Các chữ viết tắt “Anh hùng LLVT” trước tên chị có nghĩa ra sao, rồi đề nghị dịch dòng chữ “Hãy yêu thương nhau khi còn sống” phía trước ngôi mộ chị và xúc động khi biết rằng, đó chính là một câu trong cuốn nhật ký của Thùy.
Người cựu binh Mỹ năm xưa đã gìn giữ cuốn nhật ký như một phần ký ức của mình, để rồi trở lại nghiêng mình tưởng niệm người chiến sĩ đối phương vừa xa xôi vừa gần gũi ấy.
Sự trở về và sức lan tỏa của cuốn nhật ký cho thấy, nó như một nhịp cầu gắn kết những con người vốn ở 2 chiến tuyến gần nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách hận thù trong quá khứ. Có lẽ, đó là điều lớn hơn cả mà người Anh hùng Đặng Thùy Trâm đã để lại cho đời.