Giếng nhà và giếng làng
Mời bạn về quê mùa hè, hình như ai cũng hỏi, quê còn giếng nước không? Quê nội tôi ở miền bán sơn địa, trong muôn vàn ký ức về thôn dã mình, thẳm sâu là cái giếng nước. Hình như trong làng, nhà nào cũng có một cái giếng, giếng nước được tìm đặt vị trí, đào xây có khi trước khi dựng nhà.
Người làng thấu hiểu giá trị, nên đã tạo dựng giếng thì cũng luôn giữ gìn giếng như một việc trọng trong nhà. Trước khi xây giếng, gia chủ tìm chỗ đất thích hợp, mời thầy địa lý đến xem mạch nước rồi mới cho đào. Xưa dân làng phải đào giếng bằng tay, cuốc xẻng, sâu từ 7 tới 10 mét và vì thế cần những lực điền khỏe nhất làng. Người dân chọn một buổi tối hanh khô, úp một vài bát ăn cơm lên mặt đất ở nhiều điểm trong mảnh đất đã chọn, sáng hôm sau sẽ kiểm tra trong lòng bát nào tụ nhiều hơi nước là ở phía dưới đất sẽ có mạch nước mạnh nhất, lúc ấy sẽ cho đào sâu xuống. Khi đào xong, thợ đào giếng sẽ xếp đá tổ ong xung quanh be bờ và bao miệng để đất cát nước bẩn không rơi vào được. Xưa kia, khi đào giếng tới độ sâu cần thiết mà nguồn nước vẫn chưa mạnh, người ta dùng ba cọc gỗ lim đóng sâu xuống tới mạch chính, nước sẽ phun lên dồi dào.
Giếng khơi trong ký ức với dáng bà, dáng mẹ.
Nhà nội tôi mấy đời ở nhà tranh vách đất, sân đất, chỉ có giếng, bể đựng nước mưa được cha ông ưu đãi lát gạch. Sân nhà, mái hiên, giếng khơi, chum nước, vại tương… như một hình ảnh bất biến, bền chặt trong ký ức về nhà mình với mỗi người quê tôi. Giếng nước trong mát là lúc mặt trời trưa ló rạng, các bà mẹ, các chị dậy sớm múc nước chuẩn bị bữa ăn sáng của nhà nông, trẻ con được cha mẹ đổ đầy thau nước giếng rửa mặt, tay chân trước khi tới lớp. Buổi chiều, buổi trưa, quanh giếng nước là nơi tụ hội của cả nhà, giặt giũ, lấy nước tưới cây trong vườn, rửa rau cho bữa cơm. Ai đi xa về gần cũng mau mắn bước chân được về bên giếng nhà mình, đong đầy gầu nước mát thân quen.
Dù khởi nguồn từ một mạch ngầm bé xíu có khi chỉ bằng que tăm song giếng làng không bao giờ cạn. Mùa hè cho nước mát, mùa đông nước ấm. Trời bức đến mấy, chỉ cần uống một ngụm hay tắm một gầu nước là cảm thấy trong dạ mát mẻ. Bao người đã từng được nuôi ăn từ nước giếng từ thuở ấu thơ, và rồi lớn lên tung tăng chạy nhảy bên bờ giếng.
Nhà nội tôi mấy đời ở nhà tranh vách đất, sân đất, chỉ có giếng, bể đựng nước mưa được cha ông ưu đãi lát gạch. Sân nhà, mái hiên, giếng khơi, chum nước, vại tương… như một hình ảnh bất biến, bền chặt trong ký ức về nhà mình với mỗi người quê tôi.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, làng có tới dăm cái giếng, lúc nào cũng đầy ắp, nước trong và mát. Giếng đình, chùa, đền, miếu… hàng ngày cho bát nước ngọt để cúng trên linh đường, vào ngày hội cho mọi người tắm rửa tượng, làm cỗ, và một giếng nữa cho các sinh hoạt dân gian ở nơi tiện đường qua lại nằm ngay đầu làng, hòa vào bóng mát cổ thụ.
Hàng năm, nhằm đảm bảo nước sạch, làng sẽ cử người thau giếng. Các cụ già thường bảo không có gì ngon bằng nước giếng. Vì giếng sinh từ đất, cấu trúc hình tròn, vị tanh, hơi ngọt, mát lạnh nên là biểu tượng âm tính. Những người có tính nóng nảy (thừa dương), khi uống nước giếng thấy hiền hòa, vì nước giếng đã cân bằng âm dương trong cơ thể họ. Nước giếng còn là nước cam lồ chữa mọi thứ bệnh. Là thứ nước không biết cạn nên ai cần nước cứ đến mà múc, muốn bao nhiêu cũng được, càng múc càng trong. Nước giếng còn tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và tươi trẻ. Do đó giếng là linh hồn của xứ sở, cái quyết định tiên quyết tới sự sống còn của làng. Ngoài là nguồn nước ăn chính, cái giếng còn là nơi người dân luôn tụ tập, vui chơi, trò chuyện quanh bờ giếng làng… Cũng hiếm ở nơi nào phong cảnh lại hài hòa đằm thắm như ở giếng làng. Quanh giếng bao giờ cũng rợp mầu xanh của bưởi, khế, mít, na, mồng tơi, râm bụt...
Giếng làng.
Một mảnh hồn quê
Làng quê bây giờ được ngói hóa, bê-tông hóa, nhiều nhà xây bể lớn để chứa nước mưa ăn cả năm, nhiều làng còn có nước máy dẫn đến tận nhà, người ta ít dùng nước giếng. Giếng khoan là nguồn nước chính ở nhiều vùng quê, mấy chục năm khai thác giếng ngầm, các mạch ngày càng phải khoan sâu hơn, và nước ngày càng ô nhiễm hơn do tầng mặt chịu nhiều nước thải sinh hoạt và chất thải các khu công nghiệp hòa vào sông hồ và đồng ruộng. Giếng làng, giếng nhà bị lấp đi để lấy mặt bằng xây dựng, làng xã biến thành đô thị, nhưng cái giếng khơi trong tâm hồn người quê bao thế hệ thì hình như chẳng bao giờ lấp nổi.
Còn rất nhiều nơi, giếng làng vẫn tham gia vào đời sống thường nhật của người dân, vẫn là nguồn nước sạch của nhiều nhà. Hơn nữa, ở nhiều vùng quê, trước đình làng, bên chùa làng vẫn giữ nguyên những giếng xây gạch Bát Tràng, được coi là nguồn tụ thủy tụ phúc của cả làng. Dẫu không còn là nguồn cấp nước dùng cho dân chúng, nhưng nhiều làng quê vẫn giữ gìn nước giếng sạch sẽ. Đó là một việc làm của cộng đồng, dường như, để giữ trong sạch một mảnh hồn quê.
Bởi, từ trong tâm thức mỗi người dân Việt, cái giếng đã là một giá trị văn hóa vô cùng sâu sắc. Nó như gương soi ngày xưa gửi lại cho hậu thế, và lại như những giấc mộng trong trẻo, an lành.
Tự lâu đời, với hầu hết người dân quê, giếng nước là nguồn sống. Ngoài những giếng nước của riêng mỗi nhà, làng quê nào cũng có ít nhất một giếng chung cho cả làng. Đời người, thuở nhỏ biết đến cái giếng, dần lớn lên mới biết đến sông, đến biển, và tới những chân trời...
Thành Sơn. Ảnh: Đăng Thành/GĐTE