Theo Công văn 5039/BNV-TCCB của Bộ Nội vụ về việc hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần các dịp nghỉ Lễ, Tết năm 2017 gửi Bộ LĐ-TB&XH, dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cán bộ, công chức) được nghỉ 4 ngày liên tục.
Hình ảnh vua Hùng qua tranh vẽ.
Theo đó, cán bộ, công chức nghỉ ngày Lễ vào thứ Năm, có 1 ngày làm việc xen kẽ là thứ Sáu. Theo phương án của Bộ LĐ-TB&XH hoán đổi 1 ngày làm việc với 1 ngày nghỉ hằng tuần và sẽ đi làm bù vào ngày thứ Bảy (15/4) cho ngày nghỉ thứ Sáu (7/4).
Số ngày nghỉ liên tục là 4 ngày, từ 6-9/4. Theo phương án này Bộ Nội vụ cơ bản thống nhất.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét phương án, có thể đi làm vào thứ Bảy tuần trước (1/4, tức ngày 5/3 âm lịch) để nghỉ hoán đổi cho ngày thứ Sáu (7/4).
Như vậy, thời gian hoán đổi làm việc trước nghỉ sau có tính hợp lý và liên tục hơn.
Cũng tại văn bản này, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH về phương án nghỉ vào dịp 30/4, 1/5 là 4 ngày từ 29/4 đến hết 2/5; dịp Quốc khánh 2/9 nghỉ 3 ngày từ 2-4/9.
Giỗ tổ Hùng Vương là một lễ hội thường niên được tổ chức vào ngày 10/03 âm lịch. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của vua Hùng Vương cũng như 18 vị vua Hùng. Lễ hội đền Hùng thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” luôn hướng về hai chữ cội nguồn thiêng liêng. Hằng năm cứ đúng vào ngày 10/03 người dân tứ xứ đổ về đền Hùng (Phú Thọ) để dân hương, tạ lễ thể hiện sự thành kính thiêng liêng về vị Tổ của dân tộc, đồng thời cầu mong những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc, lễ hội đền Hùng còn là không gian để con người ta tìm hiểu về quá khứ, lịch sử. Lễ hội còn góp phần giáo dục những thế hệ tương lai luôn ghi nhớ công đức của cha ông để luôn cố gắng hoàn thiện tài – đức của bản thân để dựng xây đất nước ngày càng giàu mạnh.
Theo K.N (th)/Giadinh.net.vn