Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Chia sẻ

Giới trẻ “dễ” nói lời yêu trên mạng xã hội nhưng lại e dè khi đối diện với gia đình

(Dân sinh) - Các bạn trẻ ngày nay “dễ” nói lời yêu thương thông qua các ứng dụng nhắn tin hay trên trang mạng xã hội một cách khá bạo dạn. Thế nhưng, khi đối diện trực tiếp với người thân gần gũi trong gia đình thì họ lại tỏ ra khá e dè. Đó là chia sẻ của ca sĩ Cao Mỹ Kim tại chương trình Chuyện cuối tuần

Theo MC Ngô Như Quỳnh đưa ra một nhận định rằng giới trẻ ngày nay khá bạo dạn khi thể hiện tình cảm với nhau nhưng lại tỏ ra e dè khi đối diện với những người thân trong gia đình. Với ca sĩ Cao Mỹ Kim, cô cho rằng các bạn trẻ cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ hay thậm chí sến sẩm khi phải nói những lời yêu thương với ba mẹ mình. Bên cạnh đó, mọi người đang gặp phải trường hợp khi đang muốn nói lời yêu thương nhưng sợ tâm lý ba mẹ không vui thì thành ra không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Nói đi cũng phải nói lại không thể trách giới trẻ bởi MC Ngô Như Quỳnh chỉ ra ngay cả thế hệ ba mẹ hay ông bà cũng không hề có cách biểu lộ tình cảm như thế. Theo tiến sĩ Tô Nhi A thì họ có bộc lộ nhưng không phải bằng lời nói trực tiếp như một cách giao tiếp bình thường và chính vì thế việc giới trẻ ngại nói lời yêu thương là kết quả của việc giáo dục từ thế hệ đi trước.

Giới trẻ “dễ” nói lời yêu trên mạng xã hội nhưng lại e dè khi đối diện với gia đình - Ảnh 1.

Ca sĩ Cao Mỹ Kim

Lý giải cho điều này, nữ tiến sĩ cho biết đầu tiên phải kể đến sự giáo dục từ gia đình. Có thể thấy được các bạn trẻ hiếm khi nói lời yêu thương là do trong gia đình vốn dĩ ngay từ bé đã không có phép tắc này. Thậm chí phụ huynh còn ngại nói lời yêu thương với chính bạn đời của mình dẫn đến không có hành động minh chứng cụ thể để con cái học hỏi theo. Điều thứ hai đến từ phông nền văn hóa Á Đông vốn ít thể hiện cảm xúc một cách dễ dàng bằng lời nói mặc dù con người phương Đông sống rất giàu tình cảm. Gộp chung cả hai nguyên nhân đó thì một người trẻ trưởng thành không thể dễ dàng để nói lời yêu thương với một ai đó.

Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, mọi người thường dễ nói lời yêu thương với người ngoài thay vì thể hiện nó cho người thân trong gia đình. Đứng trên quan điểm của mình, Cao Mỹ Kim nghĩ rằng có lẽ những người trong gia đình với nhau luôn có được cảm giác an toàn vì chắc chắn cha mẹ sẽ yêu thương con cái và ngược lại. Do đó, việc nói thêm lời yêu thương trở nên dư thừa và không cần thiết.

Giới trẻ “dễ” nói lời yêu trên mạng xã hội nhưng lại e dè khi đối diện với gia đình - Ảnh 2.

MC Ngô Như Quỳnh chỉ ra ngay cả thế hệ ba mẹ hay ông bà cũng không hề có cách biểu lộ tình cảm như thế

Thực ra, vẫn có một bộ phận gia đình duy trì thói quen nói lời yêu thương mỗi ngày với nhau. Khi lớn lên, dù đứa trẻ rất muốn theo nếp cũ nhưng lại ngại ngùng với bạn bè và xã hội. Bởi vậy có thể nhận thấy, con người không tồn tại riêng biệt mà tồn tại theo nhiều mức độ tập hợp con người khác nhau. Vậy nên, đứa trẻ đang sống yên ổn với một gia đình thường xuyên nói lời yêu thương sẽ trở nên lạc lõng khi tiếp xúc với nhiều đứa trẻ đến từ nhiều gia đình khác nhau mà ở đấy lại không hề có quy tắc xã giao này. Dẫn tới việc đứa trẻ vẫn yêu gia đình nhưng chúng sẽ lấy chuẩn mực nhóm làm tiêu chuẩn để có thể hòa nhập với xã hội.

Nói về cách thức thể hiện lời yêu thương, ca sĩ Cao Mỹ Kim chia sẻ ngày trước khi công nghệ chưa phát triển, mọi người thường sử dụng những bức thư tay để trao gửi yêu thương hay những lời khó nói trực tiếp.

Giới trẻ “dễ” nói lời yêu trên mạng xã hội nhưng lại e dè khi đối diện với gia đình - Ảnh 3.

MC Ngô Như Quỳnh cho rằng chính sự ngại ngùng là nguyên nhân nhiều người sử dụng biểu tượng cảm xúc để thay lời muốn nói.

 Ngày nay, những ứng dụng nhắn tin với vô vàn biểu tượng cảm xúc đã khiến việc thể hiện tình cảm trở nên vô vị và vô cảm. Chưa đồng tình lắm về nhận định này, MC Ngô Như Quỳnh cho rằng chính sự ngại ngùng là nguyên nhân nhiều người sử dụng biểu tượng cảm xúc để thay lời muốn nói. Vì đôi lúc để nói lời yêu thương khiến mọi người thấy sến sẩm và biểu tượng cảm xúc giúp họ “thoát ra” khỏi suy nghĩ đó.

Vậy thì dưới góc độ tâm lý học, tiến sĩ Tô Nhi A cho biết để giải phóng mọi người khỏi nỗi e ngại khi thể hiện tình yêu thương thì trước hết phải hiểu rằng đây là một dạng năng lực biểu cảm, diễn đạt ngôn ngữ và đánh giá vấn đề. Năng lực này không thể ngày một ngày hai mà có được, cần được hướng dẫn và trui rèn mỗi ngày. Và theo như Cao Mỹ Kim và Ngô Như Quỳnh chia sẻ phía trên thì việc sử dụng biểu tượng cảm xúc hay các bài viết trên mạng xã hội cũng tạm gọi là một cách thức để tiến gần hơn tới ngưỡng triệt tiêu sự ngại ngùng khi nói lời yêu thương.