Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giòi trong tai trẻ sơ sinh, nghi vấn chưa có lời giải

Bé chào đời ngày 21/5 tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi bằng phương pháp sinh mổ, nằm lồng kính. 3 ngày sau bố phát hiện lỗ tai trái của con có vết máu bầm, một tuần sau anh gắp ra được một con giòi màu trắng.

 

Sáng 1/6, anh Phạm Duy Thể đưa con từ huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, đến Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng khám sau khi phát hiện lỗ tai con có giòi.

Người đàn ông này cho biết sau khi sinh, bé được chuyển đến nằm lồng kính cách ly ở khoa Nhi. Gia đình không được y bác sĩ giải thích lý do bé phải nằm lồng kính. "Ba ngày sau, tôi mới phát hiện ở lỗ tai trái của con có dính nhiều máu bầm. Đến sáng 25/5, bác sĩ khám cho rằng con tôi đã khỏe nên cho xuất viện cả mẹ lẫn con", anh Thể nói.  

Về nhà một ngày, vợ chồng anh Thể phát hiện tai bé rỉ máu tươi nên đưa con đến TP. Quảng Ngãi khám ở bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tai giữa kèm có mủ nên cho thuốc về uống kết hợp nhỏ vào tai điều trị. Ngày 27/5, bé đau khóc tím người. "Tôi soi đèn pin vạch tai con kiểm tra thì phát hiện con giòi màu trắng sữa ngọ nguậy bên trong nên dùng nhíp gắp ra", ông bố cho biết thêm.

Anh Thể đã chụp hình ảnh con giòi và kể chuyện hy hữu của con mình trên Facebook cá nhân để mọi người cảnh giác.

 

Bác sĩ Võ Thị Chỉ, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, cho biết, con gái của vợ chồng anh Thể mổ đẻ đủ tháng nhưng có nguy cơ cao. "Bé hít ối mẹ nên sau khi mổ cháu được chuyển từ khoa Sản sang khoa Nhi nằm trong lồng kính để theo dõi chăm sóc đặc biệt. Dịch ối còn trong cơ thể của trẻ tự động đào thải. Khu vực này hạn chế người thân ra vào phòng tiệt trùng để giữ vệ sinh cho trẻ", bác sĩ Chỉ cho hay.

Bác sĩ cho rằng phòng chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt thì khó thể có ruồi sinh ấu trùng tạo giòi trong tai cháu bé được. Theo bác sĩ Chỉ, nhiều khả năng do khâu chăm sóc, vệ sinh cho trẻ ở nhà kém dẫn đến ruồi bu vào tai, đẻ ấu trùng tạo ra giòi.


Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi phân tích thêm, nguyên nhân tạo giòi thường là do ruồi đẻ trứng nở thành ấu trùng (giòi). Tuy nhiên mỗi lần ruồi đẻ cả trăm trứng nên trường hợp một con giòi đơn lẻ phát hiện trong tai con gái sơ sinh của vợ chồng anh Thể thì rất lạ.

Theo các chuyên gia sinh học, trong suốt cuộc đời con ruồi nhà (giống cái), từ một đến ba tháng nó có khả năng sinh sản 4-5 lứa, mỗi lứa 100-150 trứng. Trứng hình trụ tròn trắng như ngọc trai, dài 1 mm, được đẻ ở những nơi có chất thối rữa, bẩn. Trứng nở trong khoảng 8-48 giờ sau khi đẻ; đây là giai đoạn ấu trùng hay còn gọi là giòi. Giòi mềm, trắng, không chân, tránh ánh sáng. Sau ba lần lột xác, chúng sẽ là con ấu trùng thành thục dài 10-12 mm.