Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giọng vàng ca trù nhỏ tuổi Lê Nguyệt Minh

 
Cô gái nhỏ say mê làn điệu ca trù
 
Chúng tôi gặp ca nương "nhí" Lê Nguyệt Minh trong buổi chúc mừng các thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (Khoái Châu, Hưng Yên), nhân dịp Ngày 20/11 và được biết, tháng 5/2018 vừa qua, tại Liên hoan Ca trù toàn quốc tại Hà Tĩnh, Nguyệt Minh đã giành Giải B (cá nhân). 
 
Có mặt cùng con gái ngày 20/11 tại Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, bác Lê Quang Thế, bố Nguyệt Minh chia sẻ: Gia đình tôi có hai cháu gái, cháu lớn tốt nghiệp đại học đã đi làm, còn Nguyệt Minh yêu ca hát từ nhỏ, từ năm lớp 4, cháu đã tham gia các kỳ Liên hoan Giai điệu tuổi hồng cấp huyện, cấp tỉnh. Ba lần cháu đạt giải cao các cấp (Giải A, B, Giải giọng hát triển vọng nhất). Gia đình chúng tôi luôn dành sự ưu ái tới cháu trong việc học văn hóa, cũng như những yêu thích nghệ thuật mà cháu lựa chọn. Giọng ca, tay phách của Nguyệt Minh được rèn luyện bài bản hơn khi các đào nương có kinh nghiệm phát hiện ra khả năng đặc biệt của cô bé và bắt đầu bồi dưỡng, uốn nắn. Các đào nương đã nhiệt tình hướng dẫn bé cách ngồi, dáng điệu, đến cách gõ phách, cách luyến âm thế nào cho đúng điệu. Nguyệt Minh tiếp thu khá nhanh khiến người dạy cũng hào hứng. 


Ca nương trẻ tuổi Lê Nguyệt Minh.
 
Với Nguyệt Minh, những kỹ thuật thanh nhạc hay ca từ bác học không thể làm khó cô bé bằng việc học gõ phách. Nguyệt Minh bộc bạch, việc gõ phách đòi hỏi phải phối hợp nhịp nhàng cả tay trái và tay phải, chỉ cần lỡ một nhịp là gần như bị hỏng cả tiết mục, bởi phách là để giữ nhịp cho lời hát. Nếu như với lời ca, con chỉ cần học khoảng 3, 4 buổi là thuộc, thì với nhịp phách, thời gian tập để ghi nhớ phải nhiều hơn gấp 3, 4 lần. 
 
Cùng được trực tiếp thưởng thức bài ca trù do Nguyệt Minh biểu diễn Ngày tri ân thầy cô giáo, nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam chia sẻ: Giọng hát, cách hát của Nguyệt Minh đích thực là của ca trù. Bên cạnh đó, cháu còn có tay phách rất mềm mại. Đây sẽ là một tài năng thực sự nếu chúng ta biết nuôi dưỡng. Nếu tiếp tục duy trì được điều này, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một ca nương có sức hát vượt trội. Đó thực sự là một điều đáng quý và một tín hiệu đáng mừng cho tương lai của bộ môn nghệ thuật này. Thật vui được biết đến niềm say mê dân ca của tuổi trẻ Khoái Châu trên quê hương của Hát trống quân đầm Dạ Trạch - một di sản dân ca. 
 
Theo các nghệ nhân ca trù thì cách lấy hơi và nhả chữ trong ca trù tinh tế và đòi hỏi phức tạp hơn rất nhiều so với những lối hát cổ truyền khác. Khó khăn đến khắc nghiệt là vậy, nhưng Nguyệt Minh chưa khi nào nghĩ sẽ chọn cho mình một bộ môn nào khác ca trù. Cô bé vui vẻ nói: Trong khi, phần đông các bạn cùng tuổi cháu thích những gì hợp mốt, theo trào lưu hiện đại, yêu thích ca trù, cháu như bị ngược dòng vậy. Thế nhưng, được thầy cô, cha mẹ và không ít bạn bè động viên, khuyến khích, cháu thấy kho tàng dân ca thật đặc sắc, sẽ sống mãi theo thời gian. Dần dần, các bạn cũng ủng hộ và chào đón cháu. Các bạn đã thích được nghe ca trù ở những buổi văn nghệ của trường, của lớp, đó là phần thưởng lớn với cháu trên con đường say mê môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.  
 
Theo dõi chặng đường gắn bó với ca trù của Nguyệt Minh, cô giáo Hoàng Phương Ly - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ: Nhà trường rất quan tâm và tạo điều kiện cho các cháu có năng khiếu về nghệ thuật trong khả năng của mình, đó chính những hạt nhân để phát triển hoạt động văn hóa, văn nghệ. Là quê hương của làn điệu hát Trống quân đầm Dạ Trạch nổi danh, chúng tôi rất vui và tự hào về đam mê và tình yêu với nghệ thuật truyền thống của cháu Lê Nguyệt Minh. Cháu có chất giọng trời cho để hát ca trù, một chất giọng dày dặn, phong lưu, tao nhã. Sự tự tin và trưởng thành của cháu còn được thể hiện thường xuyên ở các buổi biểu diễn hát ca trù tại trường, trong các dịp liên hoan văn nghệ, ngày hội, ngày lễ.


Lê Nguyệt Minh và bố.
 
Góp phần đưa dân ca vào trường học
 
Nếu nhìn Nguyệt Minh trên sân khấu biểu diễn với sự tự tin, chững chạc thì mọi người sẽ thấy bất ngờ với vẻ hồn nhiên, vô tư của cô bé ngoài đời. Bác Lê Quang Thế - bố Nguyệt Minh tâm sự: Trên sân khấu biểu diễn mọi người vẫn thấy cháu ngày một chững trạc, say đắm, chau chuốt trong từng câu hát nhịp phách, nhưng ngoài đời cháu vẫn là một cô bé 14 tuổi, ham vui chơi, hồn nhiên như rất nhiều các bạn đồng trang lứa khác. Tính cách của Minh khá thẳng thắn. Là con út nên cháu được cả nhà yêu chiều, luôn dành hết tấm lòng và công sức vì niềm đam mê dân ca của cháu. Với cháu thì được hát và biểu diễn ca trù cho mọi người là một niềm vui trong cuộc sống. Cháu đã đến với ca trù bằng nhiệt huyết mãnh liệt của mình. 
 
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga, chủ nhiệm lớp 9D của Nguyệt Minh cho biết, Nguyệt Minh là học sinh chăm ngoan, tích cực với các hoạt động của trường, của lớp. Hàng ngày, dù rất bận với công việc học tập văn hóa, nhưng hễ có thời gian là cháu lại dành để tập hát những ca khúc mới. Dần dần, ca trù trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cháu. Lời ca, nhịp trống phách cổ ngấm vào Nguyệt Minh một cách tự nhiên theo thời gian. Niềm say mê với ca trù của cháu cũng đã lan tỏa đến các bạn trong việc đưa dân ca vào trường học.
 
Thành công bước đầu sau tháng năm miệt mài, tự tin lên dưới ánh đèn sân khấu, sự tự hào, tình yêu của ca nương nhí Nguyệt Minh với ca trù càng trở nên sâu sắc. Việc vừa gõ phách, vừa nhả câu, nhả từ trong mỗi khúc ca trù giờ đã hòa quyện vào nhau, tạo cho người nghe sự thu hút đặc biệt. Mỗi khúc ca trù đã trở thành một niềm đam mê lớn trong cuộc sống tuổi trẻ nhiều ước mơ, khát vọng của Lê Nguyệt Minh. 

 Lời ca, nhịp trống phách cổ ngấm vào Nguyệt Minh một cách tự nhiên theo thời gian. Niềm say mê với ca trù của cháu cũng đã lan tỏa đến các bạn trong việc đưa dân ca vào trường học.
 

Bài Sơn Thành; Ảnh: Quang Trọng/GĐTE