Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ 5 năm miệt mài tìm con

Được nghe thanh âm thiêng liêng khi con cất tiếng khóc chào đời tưởng chừng là điều giản đơn với nhiều gia đình nhỏ. Thế nhưng, đôi khi để chạm tới giấc mơ làm cha, làm mẹ, nhiều cặp vợ chồng đã phải hy sinh bao thời gian, công sức và tài chính chỉ vì hai từ “hiếm muộn”. Câu chuyện dưới đây về hành trình tìm con của vợ chồng đại úy Lê Thanh Khương (SN 1990) Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và chị Đoàn Thị Thúy (SN 1991) cho thấy những khó khăn, nhọc nhằn mà họ đã trải qua.

Với chị Thúy, giờ đây những khó khăn, nhọc nhằn đã đi qua khi hạnh phúc vỡ òa chào đón con đầu lòng.

Với chị Thúy, giờ đây những khó khăn, nhọc nhằn đã đi qua khi hạnh phúc vỡ òa chào đón con đầu lòng.

Hành trình 5 năm mỏi mắt tìm con

Lấy nhau từ năm 2017, vỏn vẹn 1 tuần sau lễ cưới, đại úy Lê Thanh Khương lại xa mái ấm nhỏ để lên đơn vị đóng quân ở tỉnh Cao Bằng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. “Không giống như các gia đình khác, vợ chồng quân nhân xa nhau là lẽ thường, 2 tháng anh Khương mới về một lần, mỗi lần về chỉ được 2 ngày”, chị Đoàn Thị Thúy kể lại. Về phần mình, mỗi dịp cuối tuần hay nghỉ lễ dài ngày, chị Thúy cũng tranh thủ ngược lên đơn vị thăm chồng.

Nhưng suốt 1 năm ròng, đi lại ngược xuôi gần 400km từ Thái Bình lên Cao Bằng, đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa thấy tín hiệu có con. Được anh em cùng đơn vị giới thiệu, hai vợ chồng lấy thuốc của bà con dân tộc uống gần 1 năm nhưng vẫn chưa có kết quả. Cuối năm 2019, vợ chồng anh chị xuống Hà Nội thăm khám hiếm muộn thì được bác sĩ cho biết họ vẫn có thể có con tự nhiên. Chị Thúy kể lại: “Sau khi khám, biết được tính chất công việc của anh Khương cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ khuyên cần thực hiện chế độ tập luyện, ăn uống, sinh hoạt điều độ thì mới mong sớm có con”. Nghe vậy, anh chị tiếp tục nuôi hy vọng và tìm uống nhiều bài thuốc dân gian bồi bổ nhưng kết quả vẫn chưa thấy đâu.

Năm 2020, anh Khương được chuyển đơn vị đóng quân dưới Hòa Bình. Khoảng thời gian này, anh chị quyết tâm tìm đến các phương pháp khoa học hỗ trợ sinh sản. Khám và thực hiện 2 lần thụ tinh nhân tạo - bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) nhưng vẫn không thành công. Anh chị chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng vượt qua.

Không từ bỏ hy vọng, Anh Khương chị Thúy “gõ cửa” khắp nơi, “Có bệnh thì vái tứ phương”, hễ có ai mách bảo ở đâu là anh chị đều tìm đến. Gần 5 năm dài không có con, gia đình đã tiêu tốn quá nhiều chi phí vào “hành trình tìm con”. Đã có có lúc anh chị muốn từ bỏ việc chữa trị và bàn với nhau xin nhận con nuôi để thỏa ước mơ được làm cha mẹ.

Bác sĩ bệnh viện tư vấn cho cặp vợ chồng hiếm muộn.

Bác sĩ bệnh viện tư vấn cho cặp vợ chồng hiếm muộn.

Khát khao và nỗ lực, “con yêu sẽ về”

Khát khao về một mái ấm trọn vẹn, được nghe tiếng khóc, tiếng cười con trẻ một lần nữa thôi thúc anh chị tiếp tục “hành trình tìm con”. Đến năm 2021, nhờ lời giới thiệu của chị đồng nghiệp từng “tìm con thành công” tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng chị Thúy lại quyết tâm vay mượn thêm tài chính để lên bệnh viện khám. Sau khi được bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân và tư vấn hướng điều trị, anh chị quyết định thực hiện phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm).

Chị Thúy chia sẻ: “Những ngày tháng kích và canh trứng là vất vả nhất. Em tranh thủ xin nghỉ làm bắt xe từ Thái Bình lên Hà Nội, chồng thì đi xe máy từ Hoà Bình xuống. Hai vợ chồng hẹn nhau ở bến xe để cùng đi khám. Có hôm trời rét buốt, 12h đêm chúng em vẫn đi tìm nhà trọ để nghỉ, chờ hôm sau khám sớm”.

Sau quá trình khám và kích trứng, đến tháng 3/2021 chị Thúy tiến hành chọc trứng và tạo được 18 phôi, tuy nhiên vì lý do sức khỏe nên chị không thể chuyển phôi tươi ngay khi đó mà phải đợi đến chu kỳ tiếp theo. Tháng 4/2021 chị Thúy quay lại viện canh niêm mạc và chuyển phôi lần 1. Hồi hộp và mong chờ nhưng “điều kỳ diệu” một lần nữa lại chưa xuất hiện. Suy sụp và thất vọng, vợ chồng anh Khương chị Thúy lại “lỡ hẹn” thêm một lần nữa.

Chị Thúy kể lại: “Tình hình dịch bệnh khi đó diễn biến phức tạp nên mãi đến cuối năm 2021 em mới tới Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội canh niêm mạc và chuyển phôi lần 2. Khi đó em lo lắng và sợ lại thất bại thêm lần nữa. Nhưng được chồng động viên an ủi, em lấy lại tinh thần và có thêm hy vọng”.

Trong lần chuyển phôi này, may mắn đã mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Cầm trên tay phiếu báo kết quả có thai, anh chị đã ôm nhau khóc vì hạnh phúc. Sau 9 tháng mang thai, ngày 20/8/2022, chị Thúy đã sinh hạ bé Bắp, nặng 3,5kg. Thời khắc lần đầu tiên được bế con yêu trong vòng tay sau 5 năm mỏi mòn chờ đợi, một lần nữa giọt nước mắt mang tên “hạnh phúc” lại rơi trên khóe mắt của chị Thúy, anh Khương.

Câu chuyện tìm con của vợ chồng đại úy Lê Thanh Khương và chị Đoàn Thị Thúy là một trong rất nhiều câu chuyện “đi tìm con” của các cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn. Hành trình làm cha làm mẹ không phải ai cũng tới đích nếu thiếu sự kiên trì và khát khao chưa đủ lớn.

Thấu hiểu khát khao cháy bỏng được làm cha làm mẹ và san sẻ phần nào gánh nặng cho các gia đình quân nhân hiếm muộn trên hành trình tìm kiếm con yêu. Tháng 12/2022, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẽ công bố danh sách 10 ca miễn phí 100% thụ tinh trong ông nghiệm (IVF) cho 10 cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn. Đây là một trong những hoạt động nổi bật nằm trong chương trình “Hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa” được bệnh viện tổ chức thường niên từ năm 2021 với các hỗ trợ miễn phí khám, siêu âm, xét nghiệm tinh dịch đồ, ưu đãi khi thực hiện xét nghiệm, tặng gói hỗ trợ 3 triệu đồng khi thực hiện IVF tại Bệnh viện; Tặng 10 ca IVF miễn phí cho các gia đình quân nhân hiếm muộn trong toàn quân thông qua hình thức nộp hồ sơ xét duyệt. Sau 2 năm tổ chức, nhiều gia đình được hỗ trợ đã đón con yêu thành công trong niềm hạnh phúc thiêng liêng của cha mẹ.