Món quà thiên nhiên ban tặng
Trong những năm trở lại đây, khi nói về những gốc chè cổ thụ, người ta thường nghĩ ngay đến những vùng chè nổi tiếng như: Suối Giàng (Yên Bái), chè Shan tuyết Hà Giang, hay ở Lào Cai, mà ít ai biết đến ở đất chè Thái Nguyên cũng tồn tại một rừng chè cổ thụ quý hiếm vào loại bậc nhất ở Việt Nam.
Rừng chè Bát tiên cổ thụ nằm sâu trong những tán rừng già nguyên sinh ở núi Hồng, thuộc địa phận của thôn Lưu Quang, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Phải mất 4 tiếng ròng rã vượt qua những con dốc dựng đứng, băng qua khu rừng tre, rừng vầu rậm rạp đi sâu vào những tán rừng nguyên sinh, cuối cùng chúng tôi cũng được tận mắt chiêm ngưỡng những cây chè tổ có tuổi đời lên đến cả trăm năm. Các cây chè tổ này sinh trưởng ở độ cao hơn 850m so với mực nước biển, một số cây có đường kính gần 1m một người ôm không xuể và chiều cao hơn 20m.
Chính vì nằm sâu trong những tán rừng già, việc di chuyển vô cùng khó khăn, nếu không phải là người địa phương có khinh nghiệm đi rừng thì khó ai có thể tiếp cận với khu rừng. Nhờ vậy, mà những gốc chè cổ thụ được bảo vệ một cách tương đối nguyên vẹn như thủa ban sơ.
Những cây chè cổ thụ ở đây có giá trị đặc hữu rất riêng về nguồn gen quý, với đặc điểm là thân cây rất thẳng, lá chè to, có răng cưa cao và sắc hơn so với các loại chè bình thường. Còn nước chè cổ thụ thì rất ngọt, vị mát thanh và đợm có thể pha từ 4 đến 5 nước mà không bị nhạt như chè trồng dưới bản. Ngoài ra lá chè cổ thụ có thể dùng để nấu cao cho chất lượng rất tốt và hàm lượng cao cũng lớn hơn chè thường.
Giữ bí mật để bảo tồn
Theo ông Nguyễn Văn Thụy, người đã 20 năm gắn bó với khu rừng núi Hồng và đã từng dẫn nhiều đoàn cán bộ đến khảo sát rừng chè cổ thụ, chia sẻ: “Với những cây cổ thụ có đường kính lên đến 1m do không có phương tiện để trèo lên thu hái mà chỉ để cho quả rơi dụng xuống mọc lên cây chè mới”. Việc thu hái chỉ được thực hiện trên những cây chè có tuổi đời từ 50 đến 60 năm, công việc thu hái trong rừng già cũng rất khó khăn và một cây cũng chỉ cho từ 1đến 2 kg lá, nên những búp chè cổ thụ ở đây càng trở nên quý hiếm và có giá trị. Giá một kg có giá giao động từ 2 triệu đến 3 triệu đồng và gần như chưa có để cung cấp ra thị trường".
Tuy nhiên, chính vì lợi ích kinh tế, nên những gốc chè cổ thụ không tránh khỏi sự dòm ngó từ những kẻ có ý đồ trục lợi. Có những thời điểm, do nhận thức của nhiều người dân còn kém, chưa thấy được giá trị và tầm quan trọng của những cây chè cổ thụ nơi đây nên đã tự ý đốn chặt những cây chè ở độ cao thấp sát khu vực rừng tre, rừng vầu khiến cho số lượng cây chè có tuổi đời từ 50 đến 60 năm bị giảm sút.
Những năm gần đây ý thức được việc bảo tồn và phát triển những gốc chè cổ thụ không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn đem lại giá trị kinh tế lớn , nhiều người dân địa phương đã tìm cách nhân giống chè cổ thụ từ hạt và cây con đem về vườn nhà trồng.
Cũng theo ông Thụy thì “ vị trí của những cây chè cổ thụ không thể tuyên truyền sâu rộng vì sẽ làm ảnh hưởng đến sự sống của cây chè, rất mong mọi người bảo vệ và giữ bí mật về cây chè đó, nếu những cây chè lớn như vậy bị chặt phá thì không bao giờ có thể không phục lại”
Chính quyền địa phương cũng từng lên phương án treo biển, nhằm bảo vệ những gốc chè cổ thụ ở đây, song đánh giá tình hình thực tế việc treo biển vô hình chung sẽ khiến những gốc chè cổ thụ dễ bị kẻ xấu phát hiện nên phương án trên cũng đã được gác lại. Cho đến nay công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ và giữ gìn rừng chè cổ thụ vẫn được coi là phương án chủ đạo.
Trong khi công việc bảo vệ rừng chè cổ thụ ở xã Minh Tiến, huyện Đại Từ cần một lực lượng lớn và chiến lược cụ thể, thì trước hết tinh thần và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân địa phương trong việc bảo vệ và phát triển giống chè quý nơi đây là vô cùng quan trọng.