Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giữ chân lao động trong mùa dịch

(Dân sinh) - "Khó khăn chồng chất khó khăn" - rất nhiều doanh nghiệp và người lao động trong các ngành du lịch, sản xuất, giáo dục và bất động sản đang cảm nhận rõ rệt khi tình hình dịch bệnh tác động mạnh đến các lĩnh vực nói trên.

Khách hàng và đơn hàng liên tiếp sụt giảm trong thời gian dài, trong khi thiếu đi nguồn hỗ trợ tài chính từ hệ thống ngân hàng, cả doanh nghiệp và người lao động vừa vật vã tìm cách vượt qua khó khăn, vừa tìm các thử nghiệm, những hướng đi mới để cứu sống chính mình.

Giữ chân lao động trong mùa dịch - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhỏ tạm dừng hoạt động cũng là một cách thích ứng hợp lý, giúp doanh nghiệp bảo toàn vốn và có thời gian tích lũy kinh nghiệm.

Việc nhiều người lao động, từ hướng dẫn viên du lịch, giáo viên mầm non, môi giới bất động sản cho tới công nhân đã chấp nhận chuyển ngành với những mức lương thấp hơn, hoặc chủ động chuyển sang các nghề "tay trái" như bán đồ ăn vặt, làm shipper, chạy xe công nghệ, dạy ngoại ngữ hay về quê để tiết kiệm chi phí sinh hoạt… đã trở nên quá quen thuộc. Trong khi đó, nhiều chủ doanh nghiệp buộc phải đối mặt với những quyết định khó khăn như: Tinh giản nhân sự, thanh lý cơ sở kinh doanh trong khi vẫn phải tìm cách gồng gánh lãi suất ngân hàng.

Có nghĩa, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã không chịu khoanh tay "chịu trận", mà chủ động tìm cách tồn tại, với mục tiêu lâu dài là giữ được doanh nghiệp, giữ được nghề khi mùa dịch đi qua.

Đơn cử như ở Hà Nội, có khách sạn nhỏ đã chấp nhận chịu lỗ hàng trăm triệu đồng để duy trì cơ sở của mình phục vụ một lượng khách nội địa chi tiêu ít hơn, và biến sảnh khách sạn thành nhà hàng ăn; một công ty du lịch mạo hiểm đã tận dụng lợi thế độc quyền tổ chức tour Sơn Đoòng (Quảng Bình), nỗ lực duy trì doanh thu khá ở mức 40% so với năm ngoái, đón hơn 5.000 khách nội địa từ tháng 5 đến tháng 9/2020, nhờ thích ứng sớm với nhu cầu của du khách nội địa. Nhờ đó, hơn 450 nhân sự vẫn duy trì được việc làm.

Các số liệu về doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là đáng lo ngại. Nhưng nếu nhìn theo góc độ tích cực thì việc các doanh nghiệp nhỏ tạm dừng hoạt động cũng là một cách thích ứng hợp lý, giúp doanh nghiệp bảo toàn vốn và có thời gian tích lũy kinh nghiệm, để khi có thời cơ sẽ trỗi dậy. Hoặc đó cũng là "khoảng lặng" cần thiết để các doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Với người lao động, mọi chuyện cũng diễn ra tương tự khi có không ít người đã tận dụng thời gian "rảnh việc" để bồi đắp kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, hoặc tư duy để tìm ra những phương kế nhằm có thể vận hành cuộc sống một cách tốt hơn khi cuộc sống trở lại bình thường.

Dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới đặt ra rất nhiều thách thức cho mọi người, mọi doanh nghiệp. Khó khăn không chỉ ở hiện thời, mà ngay cả khi dịch bệnh được khống chế thì khó khăn càng "phát tác" khi nhiều doanh nghiệp không giữ được lực lượng nhân sự, còn người lao động không giữ được nghề. Do đó, những thử nghiệm mà nhiều doanh nghiệp và người lao động đang thực hiện là rất cần thiết. Những thử nghiệm ấy không chỉ giúp cho doanh nghiệp và người lao động tồn tại theo một cách nào đó, mà còn là điều rất có ích để thị trường lao động có được sự ổn định, cuộc sống trở lại bình thường và nhiều cơ hội lại được mở ra khi hết dịch…