Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Di sản làng cổ
Làng đúc đồng Lộng Thượng (hay còn gọi làng Rồng thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là một làng nghề từng nổi tiếng hưng thịnh một thời với những sản phẩm được đúc từ đồng như: đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa... Từ bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa trong làng, những sản phẩm ấy đã góp phần vào nét đẹp làng nghề chốn kinh thành Thăng Long xưa.
Theo sử sách ghi chép lại, ông tổ nghề đúc đồng ở nơi đây là Khổng Minh Không - Quốc sư triều Lý thế kỷ thứ XII, ông đã đến đây và truyền lại nghề đúc đồng cho dân làng. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn đến Đức Tổ sư - người đã có công lao khai truyền nghiệp quý, người dân nơi đây đã đúc tượng ông và thờ cúng quanh năm.
Cũng theo truyền thuyết tại địa phương thì nghề đúc đồng ở xã Đại Đồng rực rỡ nhất vào thời Lê - Trịnh. Trước năm 1990, 4 trong 9 thôn của Đại Đồng là Bùng Đông, Văn Ổ, Xuân Phao và Lộng Thượng vẫn giữ được nghề cổ truyền, nay chỉ còn Lộng Thượng.
Làng đúc đồng Lộng Thượng xưa chuyên đúc tượng, đỉnh, chuông, nay thêm sản phẩm đồ thờ cúng như: đỉnh, hạc, chân nến, đèn, mâm bổng, bát hương - những thứ mà trên bàn thờ của mọi gia đình không thể thiếu. Nguyên liệu chính là đồng phế liệu, chất phụ gia là thiếc và chì, khối lượng không đáng kể. Nhiên liệu nung đốt người ta thường sử dụng là than đá. Công cụ chính để đúc đồng gồm có bễ, lò, khuôn. Ngoài ra, còn một số công cụ chuyên dùng khác như mảnh sành sửa khuôn, chậu đựng nước, đục sắt, muỗng múc đồng, dũa, cưa sắt...
Người dân Lộng Thượng còn biết tái chế nguyên liệu, phế liệu đồng, biến thành các phôi đồng để cấp cho các lò nấu đồng. Dần dần, họ cũng biết mở lò đúc các sản phẩm bằng đồng. Đặc biệt, đồ thờ cúng bằng đồng (đỉnh, nến, chuông…) của làng đã chiếm được thị trường lớn ở khắp vùng, với công nghệ phát triển nhanh và ngày một tinh xảo.
Một sản phẩm bằng đồng được làm ra là sự kết tinh tâm huyết và tài năng của người nghệ nhân. Một người thợ đúc đồng giỏi phải thành thục 5 kỹ thuật tinh xảo gồm kỹ thuật tạo hình; tạo khuôn để đúc thành đồng; pha chế, nấu đồng và rót đồng; chạm khắc trên bề mặt sản phẩm; cuối cùng là đánh bóng. Không chỉ đòi hỏi kĩ thuật, nghề đúc đồng còn đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh xảo, kiên nhẫn và say mê thì mới cho ra được một sản phẩm hoàn mỹ.
Ngày nay, làng đúc đồng Lộng Thượng đã được mở rộng sản xuất và phân công hóa ngành nghề, thành lập các phường sản xuất riêng từng loại mặt hàng như: xưởng làm mâm, xưởng làm chậu, xưởng đúc đồ thờ cúng, xưởng đúc tượng... Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh, làng nhanh chóng phát triển với nghề đúc đồng, gò đồng nâng cao trong kinh nghiệm luyện đồng.
Nghệ nhân Dương Văn Hồng tại cơ sở sản suất và giới thiệu sản phẩm.
Gặp người nghệ nhân của làng đúc đồng truyền thống
Với vẻ đẹp trầm mặc và thanh bình, làng Lộng Thượng vẫn mang đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa kia, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch, bởi nơi đây nổi tiếng có quần thể di tích làng Nôm cổ kính như: những ngôi nhà cổ, chùa Nôm, chợ phiên, cầu đá và đình Tam Giang. Hành trình tìm về lịch sử văn hóa, di tích và làng nghề truyền thống luôn là sự lựa chọn hàng đầu của du khách. Đây là dịp để mỗi người có cơ hội hiểu hơn những nét đẹp của đất nước cả về cảnh quan cũng như truyền thống văn hóa của dân tộc. Đến thăm làng nghề đúc đồng Lộng Thượng tại xã Đại Đồng, bạn sẽ biết thêm về nơi được xem là kho lưu giữ sống động nghề đúc đồng truyền thống cổ xưa.
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất đồ đồng Hồng Thắm của gia đình nghệ nhân Dương Văn Hồng. Nhiều năm nay, nhờ uy tín từ chất lượng sản phẩm, thương hiệu đồ đồng “Hồng Thắm” đã là một địa chỉ hấp dẫn thu hút khách hàng gần xa khi tìm về làng nghề Lộng Thượng. Anh Hồng tâm sự, giữa năm 2003, do nhu cầu của khách hàng tăng cao, đồ đồng trở mặt hàng được nhiều người tìm mua. Có thời gian, cửa hàng anh không thể đáp ứng kịp thời cho nhu cầu người mua. Cần gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông là tâm niệm của anh và gia đình. Còn với thị trường, cần phải làm sao luôn cải thiện, đổi mới và tạo nên bản sắc riêng để người tiêu dùng ưa chuộng. So với các ngành nghề thủ công khác, đúc đồng là một trong những nghề nặng nhọc và vất vả nhất. Thợ đúc đồng không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe mà còn cần phải khéo léo, tinh tế. Ở mỗi công đoạn, người thợ cần đúc rút kinh nghiệm, bí quyết riêng. Từ kinh nghiệm chắt lọc từ truyền thống, nghệ nhân Dương Văn Hồng bộc bạch: Về kỹ nghệ, khâu đầu tiên là phải có khuôn cho tốt. Để có khuôn tốt, phải đập đất, xay đất, sang đất thật nhỏ mịn, không thể làm dối, làm giả. Có khuôn tốt rồi, nấu đồng phải chín đều để đồng chảy ở dạng đồng chất. Cái khó của nghề đúc đồng là biết được nước đồng đã chảy đều, chảy vừa độ hay chưa. Mỗi làng nghề, nghệ nhân lại có những bí quyết kỹ nghệ riêng. Thị trường thời nay càng rộng thì đòi hỏi càng cao,đa dạng, sản phẩm như một tác phẩm mỹ thuật, có thần có khí, sống động, bản sắc.
Vất vả là vậy, nhưng người dân Lộng Thượng và chính anh Hồng cũng chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Dù kinh qua những giai đoạn thăng trầm của làng nghề, nhưng nghề đúc đồng vẫn được duy trì bởi quyết tâm của người làng và những nghệ nhân tâm huyết. Anh Hồng nhớ lại, một thời gian, đứng trước những khó khăn, nhiều gia đình tính chuyện bỏ nghề, gia đình anh vẫn bám nghề bằng nghị lực, niềm tin yêu di sản của cha ông.
Bên cạnh việc nối tiếp, phát huy những kỹ thuật truyền thống, giờ đây anh cũng đã có sự đầu tư về máy móc, công nghệ hỗ trợ để nâng cao năng suất. Trong sản xuất cũng đã có sự chuyên nghiệp, từ sản xuất đỉnh, bát hương, đến sản xuất hạc, câu đối, cuốn thư, đến các đồ trang trí nội thất, đồ dùng gia đình…
Hai người con anh Hồng sống trong niềm vui gắn bó với nghề của cha mẹ, có chung tâm niệm đươc gắn bó, nối nghiệp nghề từ bao đời nay, để nó không bao giờ bị mai một truyền thống của gia đình và quê hương.
Nguyễn Quang Trọng/TC GĐ&TE