Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giữa sự sống và cái chết ở nơi đối đầu với dịch Covid-19: Chứng kiến bệnh nhân giành giật từng hơi thở, bạn sẽ không còn muốn ra khỏi nhà nữa đâu!

Nhiều người đang phải vật lộn giữa sống và chết. Các y bác sĩ đã nỗ lực hết mình, bất chấp rủi ro sức khỏe để bảo vệ cộng đồng. Vì thế, hãy ở nhà để bảo vệ chính bạn và mọi người.

Nhóm phóng viên của tờ báo The Times đã có những ngày thực tế tại Khoa cấp cứu của bệnh viện Jack D. Weiler và Trung tâm y tế Montefiore ở phố Bronx, New York, và chứng kiến cuộc chiến giữa sự sống và cái chết tại điểm nóng này. Bài viết là những chia sẻ về nỗi sợ hãi, tuyệt vọng trong phòng cấp cứu tại hai bệnh viện, và lòng can đảm tuyệt vời của những nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch.

Đau đớn, sợ hãi và tuyệt vọng

Đó là những cảm xúc tại điểm nóng thuộc Khoa cấp cứu của bệnh viện Jack D. Weiler và Trung tâm y tế Montefiore ở phố Bronx, New York. Tiếng còi báo động, thông báo một bệnh nhân ở tình trạng nặng đang trên đường tới. Các nhân viên y tế vội vàng mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị cáng và bắt đầu cuộc chiến cứu sống bệnh nhân từ tay tử thần.

Lời khẩn cầu giữa sự sống và cái chết ở nơi đối đầu với dịch Covid-19: Chứng kiến các bệnh nhân đau đớn giành giật từng hơi thở, bạn sẽ không còn muốn ra khỏi nhà nữa đâu! - Ảnh 1.

Một nhóm bệnh nhân mới đến ngồi trên ghế đợi cáng, đưa đôi mắt lo lắng nhìn khung cảnh hỗn loạn của phòng cấp cứu. Tại phòng chăm sóc đặc biệt, có khoảng 80 bệnh nhân, tuổi từ 31 đến 97. Các bệnh nhân được gắn ống thở, đôi mắt họ chứa đầy nỗi sợ hãi và những suy nghĩ rằng liệu mình có còn cơ hội gặp lại những người thân yêu hay không. Một số đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Với họ, cái chết đang cận kề.

Đối với các bệnh nhân trong tình trạng nặng, họ cần được đặt nội khí quản để kết nối với máy thở. Trước khi đặt nội khí quản, các bác sĩ ở đây sẽ cho bệnh nhân gọi điện cho người thân, bởi đây có thể là cơ hội cuối cùng để nói chuyện. Với các nhân viên y tế, đặt nội khí quản là việc khá căng thẳng và rủi ro vì nó khiến virus có thể bắn ra ngoài từ phổi của bệnh nhân. Bởi vậy, quy trình này phải được thực hiện hết sức cẩn thận.

Bệnh nhân sẽ không thể nói chuyện bởi một đường ống nối xuống cổ họng. Họ sẽ có cảm giác rất kinh khủng và muốn xé ống ra. Các bác sĩ phải thêm lượng thuốc an thần cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhiều hơn so với nhóm bệnh nhân khác. Để an toàn, tay của họ cũng bị trói lại. Đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19, máy thở đôi khi là hy vọng duy nhất - nhưng niềm hy vọng đó cũng rất mong manh. Việc thiếu thốn trang thiết bị điều trị buộc các nhân viên y tế ở đây phải suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra nếu họ phải sử dụng máy thở. Ai sẽ được ưu tiên hơn?

Bác sĩ Jones nhớ lại một bệnh nhân lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ đang mất dần ý thức vì COVID-19. Thông thường, các bác sĩ sẽ đặt nội khí quản cho bệnh nhân, nhưng trong trường hợp này, anh gọi điện cho các thành viên gia đình bà và hỏi họ có thực sự muốn tiến hành không? Cuối cùng, gia đình quyết định không đặt nội khí quản, và bà đã ra đi thanh thản vào ngày hôm đó.

Lòng can đảm của các nhân viên y tế

Điều ấn tượng nhất trong các bệnh viện không phải là máy thở, máy quét CT hay các kỹ thuật công nghệ cao mà đó là lòng trắc ẩn và can đảm của các nhân viên y tế. Kinda Chavez, một y tá tại Trung tâm y tế Montefiore đã dành 12 giờ bên giường bệnh nhân khi anh ấy đang vật lộn với sự sống để động viên anh ấy rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Bác sĩ Michael P. Jones, người điều hành chương trình bác sĩ nội trú cho các khoa cấp cứu ở cả hai bệnh viện phố Bronx đã gửi mail cho các bác sĩ trẻ để yêu cầu họ an ủi, động viên tinh thần các bệnh nhân. “Hãy dành một chút thời gian nếu bạn có thể để trò chuyện với họ về những ước mơ và động lực sống. Và nếu bệnh nhân không thể vượt qua, hãy cầm tay họ, im lặng trong 10s và nhắc tên họ. Điều này giúp chúng tôi giữ được nhân tính trong thời kỳ khủng hoảng này và mang lại cho bệnh nhân và gia đình của họ một chút niềm an ủi, cảm thông”, anh nói.

Lời khẩn cầu giữa sự sống và cái chết ở nơi đối đầu với dịch Covid-19: Chứng kiến các bệnh nhân đau đớn giành giật từng hơi thở, bạn sẽ không còn muốn ra khỏi nhà nữa đâu! - Ảnh 2.

Các nhân viên y tế là những người có nguy cơ lây nhiễm virus cao nhất bởi họ làm việc trên tuyến đầu chống dịch. Sự thật là họ cũng sợ hãi, kiệt sức, và bất lực khi chứng kiến số người chết ngày càng tăng.

Nữ y tá Kinda Chavez đã lo lắng rằng cô có thể nhiễm virus sau 12 giờ ở cùng bệnh nhân. Bác sĩ Michael Tarr, 29 tuổi thường xuyên gặp ác mộng về virus: “Cảm giác của tôi giống như tung một con xúc xắc. Tôi cũng có thể bị nhiễm virus bất cứ lúc nào. Và cũng có thể sẽ là một trong số những người trẻ chết vì dịch bệnh.”

Cả ngày ở trong bệnh viện, bác sĩ Del Valle vẫn luôn giữ thái độ bình tĩnh và trấn an bệnh nhân trong khi đặt ống thở cho họ. Nhưng khi về nhà, cô nói cô đã khóc. Chelsea Giford, một trợ lý bác sĩ tại Trung tâm y tế Montefiore đã nói rằng cô ấy cảm thấy rất khó chịu khi bệnh nhân của cô nói rằng họ sợ và cô thì bất lực. "Tôi ghét cảm giác mình không thể làm gì", cô chia sẻ.

Giford cũng mang một nỗi sợ khác đó là cô có thể lây nhiễm cho cha mẹ mình. Mặc dù sống chung trong một căn nhà, nhưng Giford tự cách ly trong phòng, sử dụng bát đĩa riêng, và nói chuyện với cha mẹ qua cánh cửa đóng kín. Cô rửa tay liên tục, đến nỗi lòng bàn tay và cổ tay hằn lên những vết đỏ.

Khi thấy người dân New York vẫn thản nhiên ra ngoài, tụ tập ăn uống và coi mọi chuyện thật nhẹ nhàng, Giford cảm thấy sôi sục. "Nếu mọi người chứng kiến những gì xảy ra ở bệnh viện mỗi ngày, thấy những bệnh nhân đang cố gắng thở để giành sự sống thì họ sẽ ở nhà", cô nói.

Can đảm không phải là không sợ hãi. Lòng can đảm là những gì người lính thể hiện khi họ lao vào trận chiến bất chấp nỗi sợ hãi của bản thân. Đó là những gì các nhân viên y tế trên tuyến đầu đang làm. Họ đã gạt đi nỗi sợ của bản thân, bất chấp những rủi ro sức khỏe của chính mình để bảo vệ chúng ta. Vậy chúng ta hãy ở nhà để bảo vệ mọi người.

Theo NYtimes