Tai nạn khi chơi xe scooter, trượt patin, trượt ván
Thời gian qua, không ít trẻ em trong lúc chơi trượt patin, trượt ván, đi xe scooter bị tai nạn thương tích, nhẹ thì trày xước, nặng hơn thì gãy xương, có trẻ còn bị chấn thương nặng vùng đầu.
Còn nhớ mùa hè vừa qua, bố mẹ bé Tôm (Hà Nội) đã rất lo lắng khi con chơi xe trượt scooter trước cửa nhà và bị tai nạn. Sau cú ngã, tay phải của Tôm thâm tím, sưng to và rất đau. Đi khám tại bệnh viện, bác sĩ cho chụp phim và kết luận tay Tôm bị rạn xương nên phải bó bột 2 tuần. Cũng may là khi ngã Tôm chỉ đập tay xuống đường, chứ nếu đập đầu xuống thì không biết sẽ bị tổn thương thế nào, vì trong lúc chơi xe trượt scooter con không đội mũ bảo hiểm.
Trường hợp tai nạn như Tôm không phải hiếm gặp, bởi thời gian qua, tại một số nơi cũng ghi nhận nhiều trẻ em bị chấn thương khi chơi các loại xe cân bằng, ván trượt… Ở các ngõ nhỏ, phố đi bộ, công viên, vườn hoa..., thậm chí trên vỉa hè, có khi cả dưới lòng đường, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ em trượt patin, trượt ván với tốc độ khá cao, nguy cơ bị tai nạn thương tích rất lớn. Nhiều trẻ đã bị ngã, bị tai nạn giao thông dẫn tới những chấn thương, ảnh hưởng sức khỏe bản thân. Một số trường hợp trẻ đi xe cân bằng, ván trượt gây tai nạn khi va chạm với người đi bộ, đi xe đạp, xe máy.
Những lưu ý khi cho trẻ chơi xe cân bằng, trượt patin, trượt ván
Chơi trượt patin, trượt ván hay trượt xe scooter rất phổ biến và vô cùng thu hút trẻ em. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà các dụng cụ này mang lại cho trẻ như trẻ được vận động ngoài trời, có phản xạ nhanh, giúp giải trí và thư giãn hiệu quả. Tuy nhiên, việc trẻ chủ quan không mang các thiết bị bảo hiểm khi chơi và thiếu những kỹ năng cơ bản có thể dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng. Do đó, khi cho trẻ chơi xe điện cân bằng, trượt patin, trượt ván, xe scooter… cha mẹ nên hướng dẫn trẻ một số quy tắc an toàn sau:
- Luôn đeo đồ bảo hộ: đội mũ bảo hiểm chuyên dụng, đệm đầu gối, tấm lót khuỷu tay và bảo vệ cổ tay.
- Sử dụng giày trượt, ván trượt, xe điện cân bằng, xe scooter chắc chắn, an toàn.
- Thường xuyên kiểm tra các bánh xe, thân xe để kịp thời phát hiện sớm những trục trặc, hỏng hóc.
- Chọn nơi ít người để chơi/tập nhưng phải đảm bảo nơi tập không có ổ gà, vết nứt hay những trở ngại khác.
- Tuyệt đối không trượt patin, trượt ván, đi xe điện cân bằng, xe scooter trên vỉa hè và đường phố đông người qua lại vì dễ gây tai nạn.
- Không bao giờ cố gắng tập ở những đoạn đường phức tạp cho đến khi thành thạo, trở thành một vận động viên thực sự.
- Không đeo tai nghe khi trượt, vì tai nghe khiến trẻ khó khăn để nghe các âm thanh, hoạt động xung quanh.
- Luôn nhường đường cho người đi bộ, người đi xe đạp và bất cứ ai khác mà trẻ nhìn thấy trên đường trượt.
- Không bao giờ được bám tay vào xe máy, xe ô tô khi đang trượt, vì điều này có thể khiến trẻ gặp tai nạn nghiêm trọng.
- Không trượt, đi xe điện cân bằng vào ban đêm vì sẽ khó nhìn thấy đường và người xung quanh.
- Không trượt khi trời mưa vì đường trơn làm tăng khả năng bị thương.
- Hãy tìm bạn đồng hành chơi cùng để có thể giúp đỡ nhau trong trường hợp khẩn cấp, nhất là khi tập tại các khu vực ít người qua lại.