Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giúp con vượt qua nỗi sợ hãi

Trẻ em thường lo sợ nhiều điều, có trẻ sợ bóng tối, có trẻ lại sợ độ cao, có trẻ sợ tới những chỗ đông người, có trẻ chưa làm đã sợ thất bại… Chỉ khi nào biết cách vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình, trẻ mới có thể tự tin vững bước vào đời. Vậy cha mẹ phải làm gì để giúp con?

Cha mẹ hãy đồng hành và giúp con vượt qua nỗi sợ của chính bản thân.

Cha mẹ hãy đồng hành và giúp con vượt qua nỗi sợ của chính bản thân.

Cách một bà mẹ giúp con vượt qua nỗi sợ hãi

Phương Anh 10 tuổi mắc chứng sợ độ cao dù chưa từng bị ngã bao giờ. Khi đi thang cuốn tại các siêu thị, Phương Anh không dám đi một mình và thường níu tay bố hoặc mẹ. Cô bé luôn hồi hộp, căng thẳng mỗi khi đứng ở trên cao.

Vào một ngày đẹp trời, mẹ rủ Phương Anh đi leo núi. Tất nhiên, cô bé không hào hứng chút nào nên tìm mọi cách để thoái thác, nhưng người mẹ vẫn kiên trì rủ đi bằng được. Chị Thanh Huyền - mẹ Phương Anh cho rằng, để con vượt qua sự sợ hãi một điều gì đó thì cách tốt nhất là cho con đối mặt trực diện với điều đó (nếu có thể).

4h sáng, chị Huyền cùng con di chuyển từ homestay tới Tà Xùa - một trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Ðến Tà Xùa hơn 5h sáng, sương mù giăng kín, trời vẫn tối đen như mực, người đi đứng cách xa nhau quá 3m là không thấy mặt. Cả một đoàn trekking (hoạt động đi bộ đường dài khám phá thiên nhiên hoang dã) nối đuôi nhau đi. Khi đoàn tới được mỏm cuối cùng của sống lưng khủng long - địa điểm lý tưởng để săn mây Tà Xùa, thật kỳ lạ là bé Phương Anh không hề sợ độ cao mà say sưa ngắm cảnh núi đồi thanh bình hiện dần ra trong sương khi mặt trời ló rạng. Dường như, nỗi sợ độ cao đã tan biến, nhường cho những cảm xúc vui sướng khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ và kỳ thú của thiên nhiên.

Kể từ lần đi ngắm mặt trời mọc và mây bay trên đỉnh Tà Xùa về, Phương Anh không còn sợ độ cao nữa. Tà Xùa cao gần 1.800m còn không sợ thì mấy bậc cầu thang trong trung tâm thương mại hay chung cư có là gì? Và cô bé Phương Anh đã vượt qua nỗi sợ độ cao một cách ngoạn mục nhờ leo núi cùng mẹ.

5 cách cha mẹ giúp con vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân

Có rất nhiều cách cha mẹ có thể áp dụng để giúp con vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân, tùy từng đứa trẻ, độ tuổi và tính cách mà áp dụng những biện pháp phù hợp.

Khuyến khích con nói ra nỗi sợ hãi trong lòng

Có một số trẻ sợ hãi nhưng không nói ra hoặc cảm thấy rất khó gọi tên nỗi sợ ấy bởi nó quá mơ hồ. Là cha mẹ, bạn hãy giúp con nói ra điều khiến trẻ cảm thấy sợ hãi. Hãy nói với trẻ rằng, con không phải cảm thấy xấu hổ khi nói ra nỗi sợ vì ai cũng có những nỗi sợ hãi riêng. Thay vì giấu kín trong lòng, nếu con nói ra, cha mẹ có thể giúp con vượt qua nỗi sợ hãi ấy.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ

Thông thường, các nỗi sợ của con người đều bắt nguồn từ những trải nghiệm tiêu cực, ví dụ trẻ từng bị chó cắn sinh ra sợ chó, trẻ từng bị ngã xe nên sợ đi xe đạp, trẻ từng bị đuối nước sợ đi biển… Khi bạn biết được chính xác nguyên nhân của nỗi sợ thì tìm các giải pháp để khắc phục nỗi sợ đó sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, có những nỗi sợ nằm sâu trong tiềm thức, trẻ chưa từng có trải nghiệm xấu nào về điều đó nhưng vẫn sợ, nghĩ tới điều đó, trẻ cảm thấy không an toàn.

Giúp trẻ nhận biết những lợi ích nếu vượt qua được nỗi sợ hãi

Nếu con không sợ độ cao, con có thể đứng trên những ngọn núi để ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ. Nếu con không sợ chó, con sẽ không phải đi đường vòng nếu không may gặp chó. Nếu con không sợ nước, con có thể thỏa thích đi bơi. Nếu con không sợ thất bại, con có thể tham gia các cuộc thi và trải nghiệm những điều mới mẻ…

Lợi ích đầu tiên khi con vượt qua được nỗi sợ của bản thân là con sẽ không còn phải lo lắng về nỗi sợ hãi đó, con có thể làm những điều mà con yêu thích hoặc hằng mong muốn. Hiểu rõ lợi ích khi vượt qua nỗi sợ sẽ giúp trẻ có thêm động lực để đối mặt và khống chế nỗi sợ.

020-1650425275-7114-1650425307

Giúp con tự tin trong cuộc sống

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc trẻ nhát gan hay sợ hãi là biểu hiện của sự thiếu tự tin. Chính vì thế, cha mẹ hãy bồi đắp cho trẻ lòng tự tin, sự dũng cảm.

Vậy bồi đắp sự tự tin cho trẻ như thế nào? Rất đơn giản, bạn hãy cho con tiếp xúc nhiều hơn với mọi người và thế giới xung quanh, cho con đi đây đi đó, học hỏi những điều mới lạ. Khuyến khích con nói ra những suy nghĩ và chính kiến của mình, không áp đặt và can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con. Tích cực cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt cộng đồng, các câu lạc bộ thể dục thể thao, trở thành tình nguyện viên giúp đỡ người khác…

Không chê bai, giễu cợt nỗi sợ hãi của trẻ

Trẻ em có những nỗi sợ hãi mà đôi khi cha mẹ phải mất khá nhiều thời gian mới có thể giúp trẻ vượt qua được. Bạn cần kiên nhẫn đồng hành cùng con. Không chê bai, giễu cợt về những nỗi sợ cỏn con của trẻ. Thay vào đó, hãy động viên và khen ngợi mỗi khi con có thể vượt qua chính mình.

Giúp con thư giãn mỗi khi sợ hãi

Khi đối mặt với sự sợ hãi, cơ thể có thể sẽ có các phản ứng như mặt đỏ, tay chân vã mồ hôi, tim đập nhanh, cảm giác bồn chồn, lo lắng… Những triệu chứng này chi phối cảm xúc và khiến cho nỗi sợ của bạn gia tăng mạnh hơn. Cha mẹ hãy trấn tĩnh con, dặn con thở sâu, thả lỏng cơ thể để cân bằng lại cảm xúc. Dần dần, trẻ sẽ học được cách kiểm soát các cảm xúc và vượt qua nỗi sợ hãi.

Làm gương cho con

Nếu cha mẹ hay sợ hãi, trẻ cũng có khuynh hướng sợ hãi giống như cha mẹ, bởi vì con cái thường chịu ảnh hưởng lớn từ cha mẹ. Do đó, cách tốt nhất để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ của bản thân là cha mẹ phải là tấm gương cho con. Ðừng phản ứng thái quá hoặc tiêu cực khi bạn lo lắng một điều gì đó vì điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân là điều không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, học cách khống chế và kiểm soát nỗi sợ sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống, đồng thời có cơ hội trải nghiệm những thứ mới mẻ và thú vị.