Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số nhận diện tội phạm mua bán người thông qua các phiên chợ

Hoạt động tuyên truyền tại các chợ phiên vùng cao biên giới, nơi tập trung đông người dân vùng dân tộc thiểu số đã và đang góp phần tích cực nâng cao hiểu biết của người dân về công tác phòng, chống mua bán người, tăng cường ý thức cảnh giác của người dân trước những âm mưu, thủ đoạn của tội phạm.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh.

Tuyên truyền kiến thức phòng, chống mua bán người tại chợ phiên Pha Long, Mường Khương, Lào Cai.

Tuyên truyền kiến thức phòng, chống mua bán người tại chợ phiên Pha Long, Mường Khương, Lào Cai.

Cùng với đó là các hình thức truyền thông phong phú và đa dạng như: nói chuyện chuyên đề, cung cấp tài liệu, băng rôn, khẩu hiệu; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung về phòng, chống mua bán người phát trên loa phát thanh 13 xã biên giới; tổ chức hàng trăm buổi truyền thông tại các phiên chợ, trường học, địa bàn biên giới thu hút gần 31.000 người tham dự. Cấp phát tờ rơi “Chung tay ngăn chặn nạn mua bán người”, “Sổ tay di cư an toàn” cho học sinh, sinh viên và nhân dân tại các xã có nguy cơ cao về nạn mua bán người…

Ông Nguyễn Tường Long, Giám đốc Ban quản lý “Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” - Giám đốc Nhà nhân ái Lào Cai (Sở LĐ-TB&XH Lào Cai) cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay đơn vị đã tổ chức thực hiện hơn 20 buổi truyền thông tại các phiên chợ vùng cao và trường học thuộc địa bàn các huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn… Các buổi truyền thông thu hút trên gần 5.000 người tham dự.

Qua các buổi truyền thông, người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) cũng như học sinh đã được nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhận diện được nạn nhân cũng như kẻ mua bán người và có được những kỹ năng cần thiết để không trở thành nạn nhân bị mua bán.

Đặc biệt, hưởng ứng ngày phòng, chống mua bán người năm 2023, trong tháng 7/2023, Ban Quản lý "Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về" đã  phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng các địa phương tổ chức các buổi truyền thông vào các ngày chợ phiên thuộc 3 địa bàn trọng điểm, đó là chợ Sín Chéng, huyện Si Ma Cai; chợ Tả Gia Khâu huyện Mường Khương và chợ Bắc Hà, huyện Bắc Hà để tuyên truyền cho người dân về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đặc biệt là các thủ đoạn mới và mục đích của tội phạm mua bán người; nhấn mạnh hậu quả của nạn mua bán người và các cách phòng tránh; tuyên truyền lồng ghép thông tin về quyền của nạn nhân, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, đường dây "nóng" tiếp nhận thông tin dành cho nạn nhân vào các tờ rơi truyền thông về phòng, chống mua bán người.

Hoạt động tuyên truyền tại các chợ phiên vùng cao biên giới, nơi tập trung đông người dân vùng dân tộc thiểu số đã và đang góp phần tích cực nâng cao hiểu biết của người dân về công tác phòng, chống mua bán người.

Hoạt động tuyên truyền tại các chợ phiên vùng cao biên giới, nơi tập trung đông người dân vùng dân tộc thiểu số đã và đang góp phần tích cực nâng cao hiểu biết của người dân về công tác phòng, chống mua bán người.

Còn mới đây, Ban quản lý “Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” đã phối hợp với Tổ chức Vòng tay Thái Bình tổ chức buổi truyền thông phòng, chống nạn mua bán người tại chợ Bắc Hà. Tại buổi truyền thông, cán bộ Ban quản lý “Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” đã tuyên truyền về: âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; hậu quả của tệ nạn mua bán người; phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người và các cách phòng tránh, phát hiện, tố giác các hành vi liên quan đến tội phạm mua bán người.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai, để hỗ trợ cộng đồng thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2022-2023, các cấp hội đã phối hợp với tổ chức Samaritan's Purse Internationai Relief và huyện Si Ma Cai tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người và đi xa an toàn cho gần 400 đại biểu tham dự với các hoạt động nhắn tin ủng hộ Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018 – 2025; ký cam kết chung tay góp sức ngăn chặn nạn mua bán người; diễu hành trên các tuyến phố của thị trấn Si Ma Cai; tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và đi xa an toàn gắn với bản sắc văn hóa, phong tục địa phương.

Bên cạnh đó, Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt công tác xét xử đối với tội phạm mua bán người, đưa ra xét xử kịp thời, hiệu quả ngay sau khi thụ lý vụ án, việc giải quyết các vụ án mua bán người đều đạt tỷ lệ 100%, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, đẩy nhanh công tác xét xử, đồng thời làm tốt công tác bảo vệ quyền của nạn nhân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người dưới 18 tuổi. Kết quả, từ năm 2021 đến hết tháng 5/2023, Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai đã thụ lý, giải quyết sơ thẩm 12 vụ 28 bị cáo về nhóm tội mua bán người; trong đó, đã đưa ra xét xử 26 bị cáo là người dân tộc thiểu số, 04 bị cáo là nữ, 14 bị cáo có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi.