Hoàn thiện chính sách pháp luật về nhà ở cho công nhân
Luật Nhà ở (năm 2005 và sửa đổi năm 2014) được Quốc hội ban hành khẳng định, “NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài KCN thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (NƠXH)”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân như: Nghị định số 188/2013/NĐ-CP năm 2013 về phát triển và quản lý NƠXH; Nghị quyết số 18/NQ-CP năm 2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho HSSV các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; các Nghị quyết của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế chính sách và bố trí nguồn vốn phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN: Nghị quyết số 41/NQ-CP năm 2020, Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết số 58/NQ-CP năm 2021. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu rõ quan điểm, định hướng giải quyết nhà ở cho công nhân lao động… Số lượng lớn các văn bản được ban hành nêu trên đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành đối với sự nghiệp phát triển nhà ở cho công nhân.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở cho công nhân đã được triển khai thành công. Chỉ trong 4 năm triển khai gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho phát triển NƠXH tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho Chương trình (ngày 31/12/2016), đã giải ngân được 98,9%, cho vay đối với cá nhân khoảng 24.300 tỷ đồng với gần 52.800 khách hàng; cho vay tổ chức khoảng 5.400 tỷ đồng với 106 doanh nghiệp. Từ chỗ gần như không có NƠXH, nhà ở cho công nhân trên thị trường, đã hình thành và đưa vào sử dụng hơn 100 dự án ngay sau gói hỗ trợ tín dụng kết thúc giải ngân.Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành 266 dự án NƠXH (gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân), quy mô xây dựng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2. Riêng nhà ở công nhân, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 121 dự án, quy mô khoảng 54.000 căn, tổng diện tích 2,7 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 134/163,5.000 căn theo dự báo nhu cầu (tương đương 82% so với nhu cầu dự báo), tổng diện tích 6,7 triệu m2. Nhiều mô hình nhà ở điển hình dành cho công nhân đã được quan tâm, quy hoạch và đầu tư đồng bộ, đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có các tiện ích thiết yếu như khuôn viên, nhà trẻ, cửa hàng, chỗ để xe, điểm thu gom rác, bảo đảm an toàn, vệ sinh... được công nhân đón nhận.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiện NƠXH và nhà ở dành cho công nhân mới đáp ứng khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nhà ở cho công nhân, NLĐ có thu nhập thấp đang là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.
Việc thiếu nhà ở cho công nhân gần các KCN, KCX, CCN khiến cuộc sống của NLĐ bấp bênh và các DN cũng khó giữ chân NLĐ lâu dài. Giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân, DN sẽ có lực lượng lao động ổn định, tăng năng lực cạnh tranh, kích thích phát triển sản xuất, tiêu dùng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và góp phần ổn định an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tại các địa phương.
Hàng loạt dự án được triển khai từ “cú huých” 15.000 tỷ đồng
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, nước ta hiện có 575 KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo kết quả khảo sát mới đây, có tới hơn 65% công nhân trong các KCN, KCX, CCN là người từ các địa phương khác nhập cư, trong khi nhà ở cho NLĐ chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua.
Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và gói hỗ trợ tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cấp bù lãi suất cho chủ đầu tư phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Cú huých từ gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 - 2023 đang hút vốn tư nhân vào các dự án xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, hàng loạt dự án NƠXH, nhà ở công nhân được các doanh nghiệp tư nhân khởi công xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng trên cả nước.
Đầu tháng 2, Tổng Công ty Viglacera đã khởi công xây dựng khu nhà ở công nhân và chuyên gia, tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh). Dự án sẽ cung cấp 2.000 căn hộ chung cư, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân và chuyên gia làm việc tại KCN này.
Cuối tháng 3, Tổng Công ty tiếp tục bỏ vốn xây dựng khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại KCN Đông Mai (Quảng Ninh), với quy mô khoảng 1.000 căn hộ cho công nhân và 72 căn nhà thấp tầng dành cho chuyên gia. Giá bán các căn hộ nhà ở công nhân theo tiết lộ của chủ đầu tư khoảng 7,1 triệu đồng/m2. Tại tỉnh Bình Dương, giữa tháng 3, Tổng Công ty Becamex IDC đã khởi động xây dựng hàng loạt dự án NƠXH ở những khu vực đông công nhân lao động, như thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng.
Tương tự, trong quý 1/2022, Công ty CP Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC Group) đã khởi công dự án NƠXH khu đô thị Tây Bắc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Dự án rộng khoảng 7 ha, quy mô xây dựng 765 căn NƠXH, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý 1 năm nay, cả nước có 7 dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân các KCN được khởi công xây dựng, với tổng số căn hộ khoảng 23.965. Trong đó, có 5 dự án NƠXH, quy mô 20.765 căn được khởi công xây dựng tại các tỉnh: Bình Dương, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh.
Bình Dương đã khởi công 4 dự án nhà ở xã hội quy mô 20.000 căn hộ; Kiên Giang khởi công 1 dự án, quy mô 765 căn hộ; Quảng Ninh khởi công 1 dự án, quy mô 1.000 căn hộ; Bắc Ninh khởi công 1 dự án, quy mô 2.200 căn hộ. Theo kế hoạch, trong quý 3 và quý 4 năm nay, TP. Hà Nội dự kiến khởi công 2 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 1.860 căn hộ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, để tăng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở cho công nhân KCN, Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển NƠXH để tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014. Trong đó, kiến nghị sửa đổi chính sách về NƠXH, nhà ở công nhân để tháo gỡ vướng mắc theo hướng điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển NƠXH, đảm bảo cho chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi thực chất…