Trung tâm Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ (Trung tâm) đóng trên địa bàn xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, hoạt động vì mục đích nhân đạo không vì lợi nhuận, nuôi dưỡng, trợ giúp các đối tượng xã hội, quản lý, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí theo quy định của pháp luật.
Hiện nay Trung tâm đang quản lý chăm sóc và nuôi dưỡng 179 đối tượng trong đó có 135 đối tượng tâm thần chiếm 75,4%. Công tác chăm sóc và PHCN cho người bệnh bình thường đã khó nay là những người bệnh tâm thần lại càng khó hơn, đặc biệt là những người bệnh thuộc nhóm giảm, mất chức năng sinh hoạt.
Các đối tượng khi tiếp nhận vào Trung tâm được sắp xếp chỗ ở phù hợp với từng thể trạng bệnh lý, hàng ngày được cán bộ chăm sóc, PHCN và xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp với từng đối tượng.
Người tâm thần sớm phục hồi chức năng nhờ lao động trị liệu
Người tâm thần khi được tiếp nhận vào trung tâm đều được áp dụng phương pháp điều trị bằng hóa dược (thuốc uống chuyên khoa) cùng với trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng sinh hoạt cho người bệnh. Trong công tác phục hồi chức năng cho người tâm thần ngoài các phương pháp trên thì lao động trị liệu giúp người bệnh phục hồi kỹ năng làm việc, tư duy vận động không để người bệnh trong tình trạng thụ động dẫn đến suy nghĩ và hành động tiêu cực làm cho người bệnh ngày càng thu mình ít hoạt động, lâu dần sẽ bị giảm hoặc mất các kỹ năng sống cơ bản.
Chính vì vậy, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động lao động trị liệu đa dạng và phong phú, phù hợp với sức khỏe của từng nhóm đối tượng, thu hút rất nhiều bệnh nhân tham gia. Các buổi trong tuần, cán bộ chia đối tượng thành nhiều nhóm đi làm các công việc khác nhau. Nhóm chăm sóc vườn rau, cán bộ hướng dẫn cho người bệnh từ khâu làm đất, nhổ cỏ, lên luống, bỏ phân, reo hạt, tưới nước… đến khi rau tốt được thu hoạch. Nhìn những luống rau xanh mướt người bệnh cảm thấy vui tươi phấn khởi, những sản phẩm mang lại lợi ích phục vụ cho chính bản thân họ. Ngoài ra, những người bệnh ở Trung tâm còn tham gia chăm lợn, nuôi tằm… Dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ, đối tượng được cho lợn ăn, vệ sinh chuồng sạch sẽ, băm rau nấu cám. Bằng chính bàn tay chăm sóc của người bệnh, những chú lợn con lớn lên đến khi xuất chuồng, tạo niềm vui cho người bệnh.
Những công việc như vậy vừa tạo nên việc làm phù hợp giúp cho người bệnh tham gia lao động trị liệu, đồng thời góp phần bổ sung cung cấp thức ăn sạch, rau sạch, đảm bảo an toàn cho bữa ăn hàng ngày của chính người bệnh. Sau mỗi ngày được tham gia lao động người bệnh cảm thấy ăn ngon, ngủ ngon, cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Cùng với đó cán bộ Trung tâm hàng ngày hướng dẫn đối tượng chăm sóc cắt tỉa cây cảnh để tạo khuôn viên luôn sạch sẽ, thoáng mát, để họ có không gian vui chơi, thư giãn.
Được tham gia vào các công việc tùy theo tình trạng sức khỏe của mình, được cán bộ cầm tay chỉ việc, kiên nhẫn từ dễ tới khó, để khi chính họ tạo ra thành quả từ sức lao động của mình giúp xóa bỏ mặc cảm của bản thân, tự tin trong cuộc sống, được gia đình tin tưởng, bệnh nhân có động lực tuân thủ điều trị, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Chuyển biến của những người cần sự trợ giúp đặc biệt
Với nhóm đối tượng giảm, mất chức năng sinh hoạt tại Trung tâm hiện có 49 đối tượng. Họ không nhận thức được hoặc nhận thức rất chậm, một số đối tượng không tự phục vụ được bản thân, mọi sinh hoạt hàng ngày phải có sự trợ giúp của cán bộ từ vệ sinh cá nhân, tắm giặt, ăn ngủ… Như đối tượng Phùng Xuân Thành được tiếp nhận vào Trung tâm từ năm 2017 và xếp vào nhóm đối tượng mất chức năng sinh hoạt. Mặc dù trước khi bị bệnh đối tượng là một người bình thường. Đối tượng học hết lớp 9, xây dựng gia đình vào năm 2003 và sinh được 02 người con khoẻ mạnh. Đến năm 2013 đối tượng bị bệnh không được gia đình đưa đi chữa trị kịp thời nên bị suy giảm hầu hết các chức năng, trở thành người hoàn toàn khác, không nhận thức được, không tự phục vụ được bản thân, không biết xúc ăn, không biết tắm giặt, thậm chí không phân biệt được đâu là đồ ăn đâu là chất thải… Trong quá trình chăm sóc và PHCN tại Trung tâm, đối tượng luôn được cán bộ tận tình chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ; kiên trì hướng dẫn, đôn đốc đối tượng trong sinh hoạt hằng ngày, luôn theo dõi sát sao và cho đối tượng uống thuốc đầy đủ theo phác đồ của Bệnh viện tâm thần tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh đó cán bộ luôn quan tâm khuyến khích người bệnh vận động, tham gia các hoạt động tập thể như: tập thể dục, đi bộ vào buổi sáng, xem ti vi tại nhà sinh hoạt cộng đồng… để người bệnh có cơ hội hòa nhập cùng mọi người. Cho đến nay đối tượng Thành đã có những chuyển biến rõ rệt, dần ổn định bệnh lý, dần dần nhận thức lại, tự biết xúc ăn, tự phục vụ được bản thân những việc đơn giản và đặc biệt là sức khoẻ ngày càng tốt lên.
Bằng sự tâm huyết, tình yêu nghề với tinh thần trách nhiệm không ngại khó khăn vất vả đội ngũ cán bộ Trung tâm đã và đang hàng ngày mang lại sức khoẻ cho từng đối tượng, giúp họ dần trở lại cuộc sống bình thường, tin yêu vào cuộc sống, vượt qua sự mặc cảm để sống tích cực hơn hướng tới tái hòa nhập cộng đồng bền vững.