Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giúp phụ nữ nghèo Bến Tre giảm nghèo bền vững và kiến tạo tương lai của chính mình


Một gia đình rất nghèo ở vùng nông thôn tỉnh Bến Tre.
 


Nguồn vốn nhỏ, hiệu quả lớn

Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Hường ở xã Phú Long (huyện Bình Đại) thuộc hộ nghèo. Hai vợ chồng làm nghề bắt cá dưới sông, chồng là trụ cột. Hai con đi học xa, chị phải vay nguồn vốn sinh viên cho con đi học. Lúc chồng còn sống, mọi tính toán anh lo hết, chị chỉ phải làm việc nhẹ nhàng. Đến khi chồng mất, nhiều cái “chị không tính không ra, cuộc sống tưởng như rơi vào bế tắc”, chị Hường tâm sự… 

Theo lối sống tại đây, phụ nữ sau khi lập gia đình thường ở nhà làm nông nghiệp kết hợp với chăm sóc con cái, nhà cửa để chồng đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Do điều kiện đất sản xuất nông nghiệp tại Bến Tre rất ít, đất xấu và thiếu nước ngọt nên phần lớn các gia đình không có đủ đất sản xuất, nam thanh niên phải đi làm thuê tại các thành phố lớn, đi làm mướn theo thời vụ hoặc làm nghề đánh bắt cá ngoài biển. Phụ nữ ở nhà rất khó kiếm thêm thu nhập do họ không thể đi làm toàn thời gian và thiếu vốn sản xuất cũng như thông tin thị trường. 

Thông tin này được bà Phạm Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre khẳng định thêm: hiện tỉnh có khoảng gần 200 ngàn chị em nữ ở nhà chăm con, cháu và tham gia các công việc gia đình tại nông thôn. Hầu như là chị em lớn tuổi, số còn lại làm tại các khu công nghiệp của tỉnh. 


 

Từ khi vay vốn, nhiều chị em đầu tư chăn nuôi, tăng thu nhập, cuộc sống vui vẻ hơn, tiếng nói trong gia đình cũng mạnh mẽ hơn.


Nắm bắt được nhu cầu của phụ nữ nơi đây, MCNV và Hội LHPN huyện Bình Đại đã triển khai dự án tài chính vi mô - hướng tới mục tiêu cung cấp các dịch vụ tín dụng vi mô, tiết kiệm vi mô và cung cấp hỗ trợ từ cộng đồng giúp cho phụ nữ tiếp cận đến nguồn vốn tài chính và tri thức để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. 

Năm 2009, dự án thử nghiệm tại hai xã Định Trung và Thạnh Trị, đến năm 2018 đã mở rộng ra hoạt động tại 9 xã với hơn 1600 khách hàng. Các khoản vay nhỏ này rất phù hợp với nhu cầu đầu tư của chị em để cải thiện kinh tế gia đình, kèm với việc trả dần gốc theo tháng giúp cho chị em tăng cường ý thức tiết kiệm và có thể hoàn trả được khoản vay vào cuối kỳ giúp cho chị em có thêm động lực để đầu tư vào sản xuất.  

Ông Trần Lê Hiệu, Điều phối viên Dự án Tăng quyền cho phụ nữ tại Bến Tre (MCNV) cho biết: Dự án giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn nhỏ dưới 10 triệu để cải thiện kinh tế gia đình, kèm với việc trả dần gốc theo tháng giúp cho chị em tăng cường ý thức tiết kiệm và có thể hoàn trả được khoản vay vào cuối kỳ, giúp cho chị em có thêm động lực để đầu tư vào sản xuất. Đến nay tỷ lệ hoàn trả của dự án luôn đạt 100%.

Chị Đinh Thị Hường đã vay 7 triệu từ Dự án để chăn nuôi bò, mua gom cỏ dự trữ. Mỗi tháng chị trả phải trả 390 ngàn. Chị cho biết, thủ tục vay vốn nhanh, giải ngân nhanh, khi hoàn tất trả nợ, có thể vay tiếp nữa. Gần 6 năm chị vay nguồn vốn này, ban đầu chị có 2 con bò, giờ có 4 con và đã bán được 2 con bê. Như vậy, chị Hường đã có thu nhập từ chăn nuôi bò. 

Trước đây, chị Đặng Thị Kim Dung, ấp 2, xã Thái Lai, chỉ ở nhà coi sóc nhà cửa, không biết làm thêm gì, từ khi vay được vốn, chị nuôi heo, mua máy may gia công, mỗi ngày kiếm được khoảng 60 ngàn. Chị Dung vui vẻ chia sẻ, từ khi kiếm được tiền, chị mạnh dạn hơn, vui hơn vì phụ giúp được kinh tế cho chồng. 


Sinh hoạt nhóm, chị em trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn...

Điểm đặc biệt của dự án là duy trì các buổi họp tháng tại các nhóm tín dụng, trong khoảng 1 giờ để lồng ghép nâng cao kiến thức cho chị em, xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên nhóm để từ đó hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và cuộc sống. Mỗi nhóm tín dụng có từ 10-15 chị em, ở gần nhau và có trách nhiệm bảo lãnh cho nhau trong vay vốn. 

Hiện tại dự án có khoảng 125 nhóm với khoảng 1600 thành viên vay vốn và sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Thông qua các buổi họp nhóm, Hội LHPN có thể lồng ghép tuyên truyền kiến thức, phổ biến pháp luật và chia sẻ kinh nghiệm sống và làm ăn, giúp cho chị em tăng cường hiểu biết và tự tin trong cuộc sống. 

Bà Phạm Thị Lợi, Chủ tịch Hội LHPN Bình Đại cho biết: nguồn vốn của dự án không lớn nhưng đã hỗ trợ vốn cho chị em phát triển kinh tế, giúp chị em nâng cao tinh thần tiết kiệm, hình thành tính cộng đồng – bảo lãnh nhau và giúp chị em tự tin hơn trong cuộc sống. Khi họp nhóm, chị em trao đổi rất thoải mái. Hiện số vốn Hội LHPN Bình Đại quản lý là trên 6 tỷ rưỡi. Bên cạnh đó, Hội LHPN còn thực hiện các khoản vay cho bảo hiểm y tế, sản xuất, xây dựng nhà tình thương cho 6 hộ. 


Mỗi nhóm tín dụng có từ 10-15 chị em, ở gần nhau và có trách nhiệm bảo lãnh cho nhau trong vay vốn. 


Phát huy tinh thần khởi nghiệp của chị em

Giáo dục tài chính được Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá là một trong 3 trụ cột chính giúp người nghèo hòa nhập về tài chính, do đó, Dự án coi việc phổ cập kiến thức về giáo dục tài chính đối với khách hàng nữ nghèo vùng nông thôn là nhiệm vụ quan trọng để giúp cho họ cải thiện kỹ năng và kiến thức quản lý tài chính gia đình. Dự án đã tập huấn cho các cán bộ tín dụng và trưởng nhóm về 6 module giáo dục tài chính bao gồm: Xây dựng ước mơ tài chính, tiết kiệm, quản lý chi tiêu, đầu tư, bảo hiểm, quản lý rủi ro. Các nhóm tín dụng sẽ lồng ghép để truyền đạt kiến thức giáo dục tài chính này cho tất cả các thành viên nhóm trong các cuộc họp tháng. Hiện tại dự án đang triển khai công tác này đều đặn và không tốn chi phí.

Từ năm 2016, tình hình hạn mặn trở nên nghiêm trọng tại ĐBSCL nói chung và tại Bến Tre nói riêng. Người dân tại các xã ven biển phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất. Người dân phải mua nước ngọt từ các xe nước do tư nhân chở tới với chi phí khoảng 60-100.000đ/m3, thậm chí nhiều nơi vùng sâu đường đi khó khăn không thể mua được nước do xe không vào tới. Để ứng phó hạn mặn, Dự án đã hỗ trợ cho phụ nữ nghèo vay vốn để xây bể chứa nước ngọt loại lớn (hồ chứa), khoảng 3m3/bể để giúp chị em trữ nước mưa dùng trong mùa khô. Hiện tại toàn dự án đã hỗ trợ cho hơn 500 hộ gia đình xây được hơn 800 bể chứa nước, góp phần cải thiện cuộc sống của các hộ nghèo trong mùa khô.

Tình trạng hạn mặn, thiếu nước ngọt cũng khiến vật nuôi cây trồng bị thiệt hại nhiều về sản lượng, nhu cầu hỗ trợ cho phụ nữ các nguồn sinh kế thay thế để giảm phụ thuộc vào nông nghiệp và điều kiện tự nhiên càng trở nên cấp thiết. Dựa trên kinh nghiệm từ dự án tài chính vi mô và nhu cầu hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Bến Tre, MCNV cùng Hội LHPN đã triển khai dự án “chắp cánh khởi nghiệp” cho phụ nữ tại hai huyện Ba Tri và Bình Đại. Dự án hỗ trợ lập 5 mô hình tổ hợp tác cho phụ nữ tại 5 xã, trong đó có 3 mô hình trồng nấm và 2 mô hình sản xuất cá khô. Có một tổ trưởng chịu trách nhiệm quản lý tổ hợp tác. Các thành viên được phân công lao động và được chia lợi nhuận theo thời gian tham gia các công việc của tổ hợp tác. 

 

Mô hình trồng nấm cho phụ nữ nghèo mang lại hiệu quả cao.

Thông qua các dự án trên, MCNV đã hỗ trợ cho phụ nữ nghèo và khó khăn kiến tạo được tương lai của chính mình thông qua tiếp cận và tích lũy các nguồn lực để phát triển như kiến thức, thông tin, nguồn vốn đầu tư và các cơ hội sản xuất kinh doanh, hợp tác cùng phát triển. 

Sự hỗ trợ tương hỗ của các chị em trong cộng đồng đã trở thành điểm tựa vững vàng giúp cho chị em tự tin hơn để vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Đặng Thị Kim Dung, ấp 2, xã Thái Lai tâm sự: "Trong tương lai, tôi quyết tâm cố gắng lo làm ăn, cho các con được ăn học như người ta, cố gắng hết sức vượt qua cảnh nghèo…".

Khẳng định sự đồng hành với công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, Đại diện Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre cho biết, trong thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt ba khâu đột phá là vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững… nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xứ dừa thời hội nhập.

Vai trò của phụ nữ trong giảm nghèo bền vững

Trong nhiều năm qua, giảm nghèo được Đảng và Nhà nước ta khẳng định là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong hành trình xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng, Dân chủ, Văn minh”, nguồn lực phân bổ cho giảm nghèo và phát triển xã hội tăng liên tục qua các năm. Trong đó, giúp phụ nữ giảm nghèo là một định hướng, giải pháp quan trọng.

Ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%. Họ vừa góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, vừa tạo nên sự ổn định về mọi mặt của đất nước. Phụ nữ vừa là những người truyền cảm hứng, khát vọng, vừa tạo nên sức mạnh trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo bền vững. Muhammad Yunus, tác giả của một giải Nobel hòa bình năm 2006 cho rằng, “Đồng vốn được trao cho người phụ nữ sẽ đảm bảo đem lại lợi ích cho gia đình của họ. Con cái được học hành, được sắm quần áo mới. Gia đình có đủ lương thực hơn”. 

Như vậy, sự chủ động của người phụ nữ là tiền đề quan trọng giúp các gia đình khai thác nguồn lực vốn liếng, đất đai, lao động, và hơn thế nữa là ý chí không sợ khó, không ngại khổ của họ đã thổi hồn cho mãnh lực vươn lên của từng gia đình – tế bào của xã hội.

Ma Thị Thảo Vân/ Tạp chí GĐ&TE